Page 319 - Di san van hoa An Duong
P. 319
đình làm thành ba cửa, cửa chính rộng lớn xây kiểu cột đồng trụ, hai bên tả môn,
hữu môn xây cửa đi nhỏ có mái che, kiểu chồng diêm nóc các. Qua cổng vào sân
đình, sân đình có kích thước vừa phải, được lát loại gạch đá phẳng đều. Trước cửa
đình, nằm trên trục thần đạo, đặt bộ nghi sự bằng đá được tạo tác khá đẹp, gồm:
lư hương, nhang án và hai cây đèn, tạo nên sự uy nghiêm khi vào nơi thánh ngự.
Đình Mỹ Tranh có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm tòa tiền tế 5 gian, mái
chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Trên mái đình trang trí đắp, vẽ các
đồ án truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ
nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, khúc nguỷnh đắp con sô, góc đao đắp tổ hợp rồng
chầu, phượng múa. Tòa tiền tế cấu tạo ba gian cửa chính bằng gỗ, cửa đóng theo
thức cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh. Tường bao che phía trước
hai gian hồi tiền tế, trổ cửa sổ tròn, trong đặt tấm đan thoáng hình chữ thọ cách
điệu, để lấy ánh sáng trong nội thất đình. Toàn bộ nền đình được lát bằng gạch
đỏ có kích thước to, đều và phẳng. Bộ khung chịu lực của tòa tiền tế gồm bốn bộ
vì chính, vì bốn hàng chân cột, có cột hiên, nhưng hàng cột quân hậu được thay
thế bằng tường bao che hậu của tòa nhà. Các bộ vì kết cấu tương tự nhau, vì nóc
thuận chồng hai con, vì nách thuận chồng ba con, hiên cấu tạo kẻ liền bẩy. Trên
các con thuận, kẻ hiên, bẩy được đắp đề tài lá lật, đấu kê thuận vuông thót đáy,
trên đấu đắp hoa sen cách điệu. Các đầu dư đắp đầu rồng, nhưng hình thức thể
hiện đơn giản mang tính tượng trưng.
Tòa hậu cung cũng là cung cấm, cấu trúc bộ vì tương tự như tòa tiền tế. Hậu
cung ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa để tạo sự thâm nghiêm và nguồn
thiêng ở nơi thánh ngự.
Đình Mỹ Tranh trải qua thăng trầm của lịch sử, đã bị hủy hoại, vì vậy đồ thờ
tự, tế khí cũng bị mất mát theo. Hiện tại đình còn bảo tồn được một bộ kiệu hoa
có niên đại tạo tác đầu thế kỷ XX.
Bộ kiệu hoa chế tác bằng gỗ vàng tâm có kích thước nhỏ, trên có ngọc lộ,
nên thuận tiện cho các cuộc lễ rước thánh. Ngọc lộ và thanh kiệu kết nối với
nhau qua hệ thống mộng, nên có thể tháo lắp khi cần thiết. Cấu tạo bộ kiệu gồm
hai thanh rồng được chạm khắc rõ nét phần đầu rồng và đuôi rồng, phần giữa
thanh rồng để trơn. Phía trên hai thanh rồng đặt ngọc lộ, ngọc lộ cấu tạo gồm:
đế, thân và mái. Đế ngọc lộ cấu tạo kiểu sập thờ, kích thước gần như vuông, bốn
mặt chân đều tạo dạ cá, trên dạ cá chạm nổi hổ phù, chân đế kiểu chân quỳ,
319 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG