Page 82 - Di san van hoa An Duong
P. 82
đình qua ba bậc cấp, hai bậc ốp gạch bát đỏ. Bậc trên cùng và thềm hiên đình
được bó vỉa bằng những viên đá xanh cổ kính thời xưa. Trên bờ nóc mái đình
được đắp trang trí theo thức truyền thống lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc
đắp kìm ngậm bờ nóc, đuôi cong tròn như những đám mây tụ, ước vọng mưa
thuận, gió hòa của cư dân nông nghiệp. Trụ biểu trước tường hồi có đế kiểu quả
bồng, thân trụ đắp khung câu đối, trong có câu đối chữ Hán, đầu trụ đắp đèn
lồng, đỉnh trụ đắp nghê ngồi chầu vào cửa đình. Tòa đại bái có ba gian cửa làm
bằng gỗ lim, gian giữa sáu cánh, hai gian bên bốn cánh, cửa làm theo thức cổ, cửa
thùng khung khách. Hai gian hồi xây tường bao che, phía trước trổ cửa sổ tròn để
lấy ánh sáng thêm vào trong đình. Bộ khung chịu lực của tòa đại bái làm bằng gỗ
tứ thiết, gồm sáu bộ vì. Các bộ vì gian trung tâm và gian bên cấu trúc tương tự
nhau, kiểu vì bốn hàng chân cột, vì nóc kết cấu kiểu chồng rường thước thợ, vì
nách kẻ liền bẩy. Hai bộ vì hồi cấu trúc có xà lòng tạo giá chiêng, vì nóc cấu trúc
chồng rường thước thợ. Liên kết chặt chẽ giữa các bộ vì của tòa đại bái là hệ thống
xà lòng, xà thượng, xà hạ. Trên cấu kiện các bộ vì đều không có trang trí điêu khắc,
một số cấu kiện như kẻ, xà, bẩy hậu được làm kiểu dáng má chai.
Tòa ống muống (còn gọi nhà cầu), cấu trúc gian theo chiều dọc nối liền tòa
đại bái với tòa hậu cung, tường xây bao che ở hai bên đều có cửa sổ hình chữ nhật
đứng, hai cánh, song gỗ một lập là, cửa tạo cho trong đình có thêm ánh sáng và
lưu thông không khí. Tòa ống muống 2 gian cấu tạo hai bộ vì, cấu trúc tương tự
nhau, có hai hàng chân cột, trốn cột cái, kiểu vì quá giang. Cấu trúc vì nóc kiểu
giá chiêng, hai bên trụ trốn là kẻ ngồi, trên giá chiêng là vì kèo cánh ác. Các cấu
kiện của các bộ vì chỉ bào trơn, đóng bén, một số tạo dáng hình má chai.
Tòa hậu cung cũng là cung cấm nối liền với tòa ống muống và nằm song
song với tòa đại bái. Hậu cung gồm ba gian, khung chịu lực gồm hai bộ vì, vì bốn
hàng chân cột. Cấu tạo hai bộ vì tương tự nhau, vì nóc kết cấu kiểu vì kèo cánh ác,
vì nách kẻ ngồi, các cấu kiện của bộ vì bào trơn, đóng bén, không trang trí. Trong
tòa hậu cung còn một số hoành gỗ dạng tròn, đây là những cây hoành còn sót lại
của thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.
Đình Dụ Nghĩa tuy trải qua thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn còn giữ được
khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật; tiêu biểu là:
Khám thờ, long ngai và thần tượng: Đây là tác phẩm có tính chỉnh thể gồm
khám lớn, trong khám có long ngai, trong long ngai có thần tượng, tất cả đều được
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 82