Page 79 - Di san van hoa An Duong
P. 79
Từ đó bà Vinh mang thai, đến giờ Dần, ngày 12, tháng Giêng năm Nhâm Tý,
bà sinh hạ được một người con trai, diện mạo phương phi, thân dung dĩnh ngộ,
hàm hổ, dáng rồng, người rất phi thường. Phụ, mẫu nuôi dưỡng đến 3 tuổi, đặt
tên là Tế Công, đến năm 14 tuổi bố mẹ cho Tế Công đi học, tự nhiên văn học tinh
thông, tài năng quán triệt, văn võ kiêm toàn, anh hùng xuất chúng. Đến năm Tế
Công 19 tuổi, thân hình cao tám thước, hơn hẳn vạn người, ông có thể gọi nước
đến, hô gió thổi, hình tướng có thể biến thành long, hổ, thân có thể xuất thần,
nhập thánh, biến hóa vô cùng. Một năm bất hạnh, phụ thân bị bệnh mà mất, đó
là ngày 3 tháng 7, Tế Công cùng mẫu thân cư tang phụ thân ba năm tại gia đường.
Vào thời đó có giặc Chiêm Thành vào xâm lược nước ta. Nhà vua cho
truyền hịch trong thiên hạ kêu gọi người nào có tài sẽ được ban chức tước để
cầm quân đánh giặc giúp nước. Biết được tài danh của Tế Công, nhà vua liền
cho sứ giả chiếu mời Tế Công đến kinh thành bái yết vua. Tế Công liền đến kinh
thành bái yết nhà vua. Nhìn thấy Tế Công dáng oai phong, lẫm liệt đã biết ngay
là người tài giỏi. Nhà vua hỏi, Tế Công đều ứng đối trôi trảy. Vua nói rằng: “nay
đất nước có nạn xâm lăng, Trẫm cầu người hiền tài giúp nước, rất may gặp được
khanh, ta không còn lo gì nữa, chắc chắn sẽ phá tan quân giặc”. Vua lệnh cho
Tế Công đi đánh giặc Chiêm Thành. Tế Công phụng mệnh mang quân đánh
giặc, ông dẫn binh về qua quê hương Dụ Nghĩa, tuyển chọn được 10 trai tráng
để làm gia thần, thủ túc. Một đêm ngủ tại bản trang Dụ Nghĩa, ông mộng thấy
một nữ sĩ diện mạo như hoa, thân dung yểu điệu đến chỗ ông, ông liền hỏi, nữ
sĩ ở đâu tới đây, sao đi chỉ có một mình, nữ sĩ nói rằng: “Tôi là người ở Thiên
đình, giáng xuống trần gian, nay biết tướng quân đi đánh giặc, tôi sẽ theo âm
phù, sau khi thắng giặc xin được suy tôn làm “Mẫu nghi thiên hạ”, được thờ
phối cùng với tướng quân”. Ông Tế liền hỏi nữ sĩ gia phận thế nào, nữ sĩ nói
rằng: “Tôi là người họ Lý, tên là Hoa Nương”, nói xong liền biến mất. Ngay sáng
hôm sau Tế Công cùng gia thần và quân binh tiến đánh giặc Chiêm Thành.
Đương trong chiến trận bỗng mưa to, gió lớn, sấm chớp nổi lên, nước dưới sông
cuồn cuộn sóng lớn. Hạm, thuyền của quân Chiêm Thành bị sóng cuốn chìm,
quân tướng chết rất nhiều, bọn giặc còn lại tẩu tán chạy về đất nước.
Đất nước thanh bình, Tế Công đem quân hồi triều bái yết nhà vua. Nhà vua
mở đại tiệc khao lao tướng sĩ, phong cho Tế Công là “Trung phẩm Đại tướng
quân”. Nhận chức tước xong, Tế Công xin nhà vua sắc phong cho Hoa Nương
79 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG