Page 78 - Di san van hoa An Duong
P. 78
thần chủ là ai, nhưng đến nay miếu cũng không còn. Người dân Dụ Nghĩa chủ
yếu sống bằng nghề canh nông, trồng trọt và đánh bắt thủy sản. Làng chia làm
bốn giáp: gọi theo số thứ tự giáp Nhất đến giáp Tứ.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, với vị trí quan trọng nằm sát trục Quốc lộ 5,
đường xe lửa Hà Nội - Hải Phòng, những con đường huyết mạch nối cảng Hải
Phòng với thủ đô Hà Nội, nên nơi đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt giữa
ta và kẻ thù xâm lược. Những cuộc chiến đấu và thắng lợi đó có sự đóng góp của
người dân Dụ Nghĩa. Trong kháng chiến của dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ
quốc, người dân Dụ Nghĩa đã có nhiều những đóng góp to lớn. Ngày nay Dụ
Nghĩa là địa phương đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đang tiến tới xây dựng
quê hương trở thành đơn vị “Nông thôn mới kiểu mẫu”
Theo bản Thần tích do Hàn Lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn
niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572); Quản giám bách thần, Tri điện hùng lĩnh
Thiếu khanh, Nguyễn Hiền theo bản của triều trước phụng sao lại vào niên hiệu
Vĩnh Hựu thứ 3 (1737); sao lại lần 2 vào ngày tốt, tháng 10, niên hiệu Tự Đức thứ
13 (1860); vào ngày 22 tháng 10 năm 1973, các cụ phụ lão thôn Dụ Nghĩa sao lại
lần 3. Thân thế sự nghiệp của Ngài Thành hoàng thờ tại đình Dụ Nghĩa được tóm
lược như sau:
Vào triều vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), tại trang Dụ Nghĩa, huyện Hiệp
Sơn, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có gia đình họ Đào, tên là Mỹ (tránh húy nên
đọc là Mỡi), vợ là Nguyễn Thị Vinh. Hai ông bà ăn ở với nhau đã lâu, tuổi ngoài
tứ tuần mà chưa có con nối dõi. Bởi vậy hai ông bà bàn với nhau và làm nhiều
điều thiện, tu nhân, tích đức, giúp đỡ mọi người, thành tâm kính lễ đền, chùa.
Hai ông bà thiết lập một đàn tràng để cầu trời, đất phù hộ sinh được quý tử.
Đang lúc tế lễ tại đàn tràng, bỗng trời đất tối đen, nổi phong ba mưa gió. Mọi
người nhìn thấy một Thanh long (rồng xanh) từ trên trời giáng xuống đàn tế lễ.
Một thời gian trời quang, mưa tạnh rồng xanh bay về trời biến mất. Vào một
đêm bà Vinh nằm ngủ mộng thấy một lão ông râu tóc bạc phơ nói với bà Vinh
rằng: “Nay thiên đình đã biết hương gia có phúc, nên cho rồng xanh giáng vào
gia đình làm con, đây là tinh khí của Thủy Đế”. Nói xong ông lão bay lên không
trung biến mất. Đến sáng hôm sau, bà Vinh kể lại chuyện giấc mơ với ông Mỹ,
ông Mỹ nói rằng: “nếu như vậy con của chúng ta sau này không ai khác chính
là con của Thủy đế Long Vương.”
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 78