Page 90 - Di san van hoa An Duong
P. 90
Vua thưởng cho ông 17 nén bạc trắng, một trăm vuông lụa và phong cho
ông chức “Quyền trưởng Phó đô Nguyên soái Đại tướng quân”.
Năm Bính Ngọ, niên hiệu Hưng Long thứ 14, triều vua Trần Anh Tông
(1306), giặc Ai Lao xâm lược nước ta, vua triệu ông Vàng về triều, giao cho
ông cầm quân diệt giặc. Giao chiến đã lâu mà chưa phân thắng bại, ông Vàng
về triều xin cấp thêm binh mã. Quân giặc đuổi theo ông đến địa phận Miếu
Lăng, huyện Thanh Lâm, do quá thấm mệt, ngựa chiến lại què một chân, ông
Vàng đã hy sinh trên chiến trường. Quân sĩ về tâu với vua, thương tiếc một
công thần vì nước quên thân, vua sai triều thần về nơi ông mất làm lễ mai
táng, rồi truyền cho dân sở tại lập miếu phụng thờ, lấy ngày 10 tháng 4 là
ngày hóa. Triều Trần gia phong “Từ Hoàng Chương huệ Đại vương”. Triều
Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 9 (1810), vua gia tặng thêm mỹ tự: “Phu cảm
Đại vương”. Các triều vua sau này đều có sắc phong, gia tặng mỹ tự như: Sắc
niên hiệu Tự Đức thứ 7 (1854), phong là: Bản cảnh Thành hoàng Linh phù chi
thần; Sắc niên hiệu Tự Đức năm thứ 30 (1877), phong: Bản cảnh Thành
hoàng Phù Tuấn lương, An bang kinh lược, Dực vận, phù tộ, hộ quốc, an dân
chi thần; Tự Đức thứ 33 (1880) phong: Bản cảnh Thành hoàng phù Tuấn
lương An, bang kinh lược, Dực vận, phù tộ, hộ quốc, an dân chi thần; Sắc
niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887): phong duệ hiệu như trên; Sắc niên hiệu
Duy Tân thứ 3 (1909), ban phong chung cho 6 vị thần của làng, Nguyễn Vàng
được ban phong thần hiệu như các sắc trên; Sắc niên hiệu Khải Định thứ 9
(1924), phong chung cho 6 vị thần của làng, Nguyễn Vàng được gia tặng:
“Quang Ý Trung đẳng thần”.
Đình Hạ Đỗ ở vị trí gần trung tâm của làng, gần với ngôi chùa và nằm bên
đường trục thôn. Đình nằm trên gò đất khá cao, nhìn về phía Tây Nam, phía trước
đình là cánh đồng thoáng rộng. Khuôn viên đình có những cây cổ thụ to lớn vài
trăm năm tuổi. Từ con đường phía trước vào đình gặp nghi môn đình. Nghi môn
xây kiểu cột đồng trụ, sau nghi môn là trắc môn (bình phong) bằng đá được điêu
khắc khá đẹp. Từ sân đình rộng rãi lát bằng gạch đỏ, phẳng đều qua năm bậc cấp
bước lên hiên đình, móng đình khá cao so với mặt bằng xung quanh. Đình Hạ Đỗ
nằm trên thế đất thiêng, phía trước có hai giếng mắt rồng. Đình là công trình làm
bằng vật liệu truyền thống, có mặt bằng kiến trúc kiểu tiền nhất, hậu đinh, mái
lợp ngói mũi.
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 90