Page 94 - Di san van hoa An Duong
P. 94
phiên âm: Tài trưng Đế mộng (才徵帝梦), nghĩa là Nhà vua tìm được người tài giỏi
như trong giấc mộng (câu đối nhắc về tích vua Trần mộng được thần báo và sau
đó tìm được Nguyễn Vàng ra giúp). Đại tự ghi niên đại tạo tác năm 1932.
- Đại tự treo tại gian trung tâm tòa trung đường: Đại tự làm bằng gỗ quý tạo
thành ba khung ô bằng nhau gần như hình vuông, khung diềm các ô trơn không
trang trí. Trong khung ô chạm nổi ba chữ Hán lớn, phiên âm: Thượng đẳng từ
(上 等 祠) nghĩa là ngôi đình thờ bậc thánh có phẩm trật Thượng đẳng thần. Đại
tự không đề lạc khoản nhưng qua kiểu cách tạo tác và nét văn tự có thể xác định
đại tự được tạo tác đầu thế kỷ XX.
- Kiệu bát cống: Bộ kiệu hoàn chỉnh có ngai bành đặt trên, thuộc loại kiệu
tiểu (nhỏ). Kiệu làm bằng gỗ vàng tâm, gồm tám thanh rồng được nối kết với nhau
qua hệ thống chốt sắt và bánh chè. Các thanh rồng được chạm nổi rõ đầu, thân
và đuôi rồng, trên thân rồng chạm rồng, phượng mây hội hợp. Ngai bành lắp đặt
trên kiệu qua hệ thống mộng xuyên. Ngai bành được chạm khắc tinh xảo với đề
tài tứ linh sinh động. Qua kiểu cách nối kết các thanh rồng nêu trên, nên kiệu có
thể tháo lắp dễ dàng rời từng bộ phận và khi khiêng rước kiệu có thể xoay đổi
chiều đi theo các hướng. Kiệu do tám người khiêng để đi rước thánh trong các dịp
lễ hội của làng. Qua hoa văn tạo tác trên kiệu có thể xác định kiệu bát cống có
niên đại thế kỷ XVIII. Đây là bộ kiệu đẹp, lâu đời, hiếm quý trong các di tích của
thành phố Hải Phòng.
- Khám đại làm bằng gỗ quý đặt trong cung cấm của đình. Khám có kích
thước cao và chiều ngang khá rộng, thuộc loại khám đại. Mặt tiền khám tạo
khung kép, trên khung chạm nổi hình rồng uốn lượn trong mây quyện theo
khung thế rồng bay lên. Chắn trương của khám to rộng được chạm khắc khá cầu
kỳ, đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Cửa khám bằng gỗ, bốn cánh kiểu chân quay,
các mặt hồi, hậu khám bưng ván gỗ. Trong khám bày 6 bài vị của 6 vị thần được
dân làng thờ tại đình. Qua hoa văn trang trí trên khám xác định khám được tạo
tác cuối thế kỷ XIX.
Tại đình Hạ Đỗ, hằng năm dân làng tổ chức hai sự lệ lớn: từ ngày 10 đến 12
tháng Giêng (ba ngày) tổ chức hội làng nhân kỷ niệm ngày sinh của Đức thánh
Nguyễn Vàng; Ngày 10 đến 12 tháng một (theo âm lịch tháng một là tháng 11),
nhân dịp ngày khánh hạ (thắng trận). Lễ hội làng thường có lễ rước thánh Nguyễn
Vàng từ đình ra lăng mộ song thân, thánh vương phụ, thánh vương mẫu làm lễ rồi
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 94