Page 99 - Di san van hoa An Duong
P. 99
một hôm ông đến đất Tràng Duệ chọn cho người họ Vũ trong làng một ngôi đất
quý. Chỉ ít lâu sau đã phát phúc, nên gia đình họ Vũ gả con gái là Vũ Thị Nhã cho
ông. Bà Nhã có mang 13 tháng, sau đó sinh được ông Thản, (vì sinh ở sân nhà nên
gọi nôm là Đất). Năm 13 tuổi, học vấn của ông đã uyên thâm đủ tài văn võ. Năm
ông 16 tuổi, thân phụ qua đời; năm ông 21 tuổi, thân mẫu cũng mất. Lúc đó gia
sản khánh kiệt, ông Thản được người cậu ruột nuôi và quý như con đẻ. Thời đó
trong trang có ông Hoàng Bình, vợ là Vũ Thị Hương sinh hạ được ba người con
gái, hai người con gái đầu mất sớm chỉ còn người con gái út là Hoàng Thị Đào (tên
hiệu Đào Tam Nương) tài sắc đoan trang, đức độ hơn người. Sau đó bà kết duyên
với ông Thản. Cũng vào thời đó có giặc Lương do Trần Bá Tiên sang xâm lược
nước ta, nhân dân vô cùng lầm than, khốn khổ. Ông Thản đêm không ngủ, ngày
không ăn luôn mưu tính đường chống giặc. Phu nhân thấy vậy hỏi ông và biết mọi
chuyện liền dốc sức bỏ tiền của cùng ông lo việc lớn. Sau đó ông Thản chiêu tập
những trai tráng các nơi trong vùng có hàng trăm người cùng ông mưu đánh giặc.
Sau thời gian luyện tập binh đao, ông làm lễ tế cờ, tế thiên, địa, tạ ơn mọi người
và dẫn quân ra đi. Ông mang quân đến giúp Lý Phật Tử ở thành Ô Diên, ông được
giao đốc xuất lương thảo. Trong trận đánh lớn ở Cửu Chân, giặc thất bại phải lui
về Nhật Nam. Sau này khi đất nước thanh bình, Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục
đều muốn tranh ngôi báu. Trải qua một thời gian Lý Phật Tử khởi đại binh đánh
Triệu Quang Phục, ông Thản được cử làm Phó tiền khu, Từ Khoan làm tiếp ứng,
Câu Kỳ làm tả vệ quân, Ngưu Uyên làm hữu vệ quân, chỉ trong một trận quân
Triệu thua to, Lý Nam Đế thống nhất được cơ đồ, chuyển về Phong Châu đóng
đô. Lý Phật Tử phong cho ông Thản tước Đình lộ Hầu. Sau đó ông xin về thăm
quê hương, ông mở tiệc khao lao dân làng, giúp dân nhiều tiền của để phát triển
sản xuất, xây dựng quê hương, mọi người dân Tràng Duệ khi ấy sống rất yên vui,
hạnh phúc.
Mùa đông năm Canh Tuất, nhà Tùy mang quân sang xâm lược nước ta. Vua
Lý sai ông cùng với tướng Mã Linh đánh giặc. Quân giặc thua to phải rút về nước.
Sau thời kỳ đó, đất nước tạm thời yên ổn, triều Hậu Lý không lo phòng bị, quân
cơ bỏ ngỏ, quan tướng mải mê hưởng lạc, trong khi giặc phương Bắc vẫn nhòm
ngó nước ta. Mùa xuân năm Mậu Tuất, nhà Tùy lại sai tướng Lưu Phương sang
xâm lược nước ta. Nhà vua sai ông Thản cầm quân chống giặc, nhưng do lực
lượng quá chênh lệch nên quân ta không giữ được, kinh đô bị bao vây, Hậu Lý
Nam Đế đã xin hàng. Ông Thản nghe tin nhà vua hàng giặc rất uất hận, ông thu
99 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG