Page 11 - thphanvantriq1_1105581_1ho-chi-minh-bien-nien-tie
P. 11
11
Một lần khác, cùng các bạn câu cá ở cái ao gần nhà bà ngoại ở làng Trùa. Khi một
bạn giật mạnh cần câu, lưỡi câu sắc nhọn, mắc vào tai Nguyễn Tất Thành, máu ra
nhiều các bạn rất lo sợ. Nhưng Nguyễn Tất Thành nén chịu đau, bình tĩnh rút lưỡi
câu ra, nhờ các bạn lấy “lá niệt” rửa sạch, đặt vào chỗ vết thương để cầm máu, và
dặn các bạn đừng nói cho bà ngoại biết kẻo bà lo. Vết thương này sau thành sẹo, để
dấu ấn ở tai Nguyễn Tất Thành.
- Phan Bội Châu niên biểu, Nxb. Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1955, tr.30.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.10.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ -Tĩnh: Những mẩu chuyện
về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.26, 30.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
NĂM 1903
Mùa xuân
Nguyễn Tất Thành theo cha đến ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
và tiếp tục học chữ Hán. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy chữ Hán tại nhà
ông Nguyễn Thế Văn.
Xã Võ Liệt là một xã có truyền thống yêu nước. Đó là quê hương của Phan Đà,
người thanh niên mới 17 tuổi đã đứng ra chiêu tập nghĩa binh, tham gia cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Đó cũng là quê hương của Trần Tấn, người khởi xướng
cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất (1874) của văn thân Nghệ - Tĩnh.
Trong thời gian theo cha đến học ở Võ Liệt, Nguyễn Tất Thành lại có dịp nghe
chuyện thời cuộc của các sĩ phu đến đàm đạo với cha mình.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ -Tĩnh: Những mẩu chuyện
về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.41 - 42.
________________________________
1) Xã Chung Cự vốn có truyền thống nho học từ lâu đời. Theo Đăng khoa lục, từ
đời Lê Dương Hoà (1635) đến năm 1919 là khoá thi Hương, thi Hội cuối cùng, qua
96 khoa thi, toàn xã Chung Cự đã có 193 người đậu, tính từ hiệu sinh và tú tài trở
lên. Là vùng đất có truyền thống yêu nước. Khi vua Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng
Quảng Trị hạ chiếu Cần Vương, ở Chung Cự có ông Vương Thúc Mậu lập đội nghĩa
binh đóng ở núi Chung (gọi là Chung Nghĩa Binh) để chống Pháp. Dân Chung Cự
và các xã lân cận theo ông rất đông. Đội Chung Nghĩa Binh đã nhiều phen làm cho
giặc Pháp và quan lại Nam Triều phải lao đao.
2) Về năm sinh của ông Nguyễn Sinh Sắc, trước đây có sách ghi là năm 1863 nhưng
các văn bản của triều Nguyễn bổ nhiệm ông, cũng như danh sách trúng tuyển kỳ thi
Hội năm Thành Thái thứ 13 đều ghi ông sinh năm Nhâm Tuất (1862).