Page 53 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 53
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
không còn bùn đất nữa, mợ dựng xe bên lề, dắt tôi xuống mé rạch để tôi
rửa chân sạch sẽ, mang giày cẩn thận trước khi lên xe chạy tới bến Bắc
cho đừng trễ chuyến. Dù vội vàng cỡ nào, tôi cũng không quên nói câu
cảm ơn mợ, người hàng xóm tốt bụng của mình. Mợ chỉ mỉm cười và nói
nhẹ nhàng: “Ờ, biết ơn mợ Tám thì phải rán học nghe con. Học giỏi đặng
sau nầy lớn lên giúp bà con lối xóm”. Câu nói hoàn toàn không mang
dấu vết của một giáo điều nào, cũng không phải lời phán ra từ lãnh
đạo, mà nó chơn chất, thực thà của một người nông dân chân chính. Có
lẽ mợ Tám là hình ảnh tiêu biểu của người dân Tân Thạch hay của một
nơi nào khác trên đất Bến Tre. Họ sống nghèo khổ nhưng nghĩa nặng
tình sâu, dấn thân vào cái chết không vì chút hư danh mà chính vì lòng
yêu xứ sở.
Cũng từ sau buổi sáng hôm đó, má tôi dứt khoát cho tôi sang Mỹ Tho
để tiện việc học hành. Rồi năm tháng đi qua, hết học, thi cử, tốt nghiệp
ra trường đi dạy, tôi chưa một lần trở lại làng quê. Có một dạo, nghe tin
mợ Tám mất trong một trận đánh giữa hai bên. Thời chiến tranh, sinh
mệnh con người vô nghĩa. Rồi tất cả chìm lắng trong cát bụi, thời gian..
Cũng chẳng ai nhớ ở người phụ nữ nông dân ấy lại có một ước mơ thấm
đẫm chất nhân văn: mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình, hy
vọng sớm kết thúc chiến tranh để làng quê trở lại yên bình, hạnh phúc.
Lời nói ngày nào của mợ Tám, cùng với hình ảnh những người thân
thuộc, của Ngoại tôi, của má tôi, của những thầy cô đã cho tôi quá nhiều
ân sủng... đã thôi thúc tôi phải góp sức mình bằng một chút gì đó cho
miền quê hương thơ ấu. Chính vì vậy, khi tập tễnh sáng tác, những bài
thơ đầu tiên của tôi là viết về quê ngoại, về Bến Tre - Kiến Hòa, về những
năm tháng chiến tranh, về bao nhiêu kỷ niệm:
Bên hiên đồng ấu của ngày xưa
Cỏ rối trời xanh nhẹ bước hờ
Tung dấu chân không ngày nghỉ học
Bướm rời hiên lớp bướm thành thơ...
Mãi mãi, trong tim tôi, Bến Tre là một khúc tình ca không đoạn kết.
Cần Thơ, tháng 12/2021
56