Page 313 - Di san van hoa An Duong
P. 313
nước. Thần tượng đội mũ cánh chuồn, mặt vuông chữ điền, mắt sáng, nhìn thẳng,
tay phải cầm quạt, tay trái đặt tự nhiên trên gối trái. Thần tượng thể hiện thần thái
uy nghiêm, cương nghị. Qua hoa văn trang trí trên trên phẩm phục xác định long
ngai, thần tượng được tạo tác đầu thế kỷ XX.
Trước kia làng Kiều Đông hằng năm tính theo âm lịch thường có những tiết
lễ để cúng tế Thành hoàng. Nhưng vào dịp 11 tháng 2 là ngày hội lễ lớn nhất trong
năm. Lễ hội kéo dài 2 ngày từ 11 đến ngày 12 tháng 2; ngoài phần tế lễ, dâng
hương thánh, địa phương còn tổ chức các trò chơi thi đấu như: đấu vật, chọi gà,
hát ca trù, hát chèo sân đình...
Ngày nay, người dân địa phương đang từng bước khơi trong gạn đục, kế
thừa, phát huy các nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt văn hóa lễ hội của tiền nhân
để lại.
Đền Kiều Đông mới được xây dựng, nhưng vẫn mang kiểu dáng của một
công trình kiến trúc truyền thống. Ngôi đền là nơi hoạt động, sinh hoạt văn hóa
tín ngưỡng tâm linh thờ Thành hoàng duy nhất của địa phương. Ngôi đền đang
đảm nhiệm cả chức năng của đình làng, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền
thống của cộng đồng làng Kiều Đông. Ngôi đền là dấu tích lịch sử minh chứng
cho quê hương đã có gần một ngàn năm lịch sử. Ngôi đền như tượng đài ca ngợi,
tôn vinh những vị anh hùng, những người con ưu tú của quê hương có nhiều công
lao với dân, với nước. Đặc biệt có bà Hoàng Thị Châu, một bậc Hậu phi, một mỹ
nhân, liệt nữ đã được nhà vua ban sắc phong phẩm trật thần cao nhất “Thượng
đẳng thần”. Di tích đền Kiều Đông cùng với hệ thống di tích đã xếp hạng của xã
Hồng Thái, tạo thành tuyến tham quan du lịch hấp dẫn về lịch sử, văn hóa, tâm
linh, tín ngưỡng của người dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng.
313 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG