Page 312 - Di san van hoa An Duong
P. 312
Nam, hướng đắc địa để thánh nghe được người dân tâu bày mà phù hộ. Đền nằm
cùng khuôn viên với ngôi miếu cổ và lăng mộ của Ngài Hoàng Công Thản. Đền
nằm cận kề với ngôi chùa làng, tạo nơi đây trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa
tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trước đền là hồ nước rộng, theo
phong thủy là nơi tích phúc của dân làng.
Từ sân bước lên hiên đền khá cao qua tới 5 bậc cấp. Đền Kiều Đông làm
bằng vật liệu hiện đại, bê tông cốt sắt kết hợp với vật liệu truyền thống, có mặt
bằng kiến trúc chữ đinh, gồm năm gian tiền bái và ba gian hậu cung, trong đó
có một gian cung cấm. Tiền bái xây kiểu chồng diêm, mái chéo đao tầu góc, lợp
ngói mũi. Trên mái trang trí đắp, vẽ theo đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ
nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, các góc đao đắp tổ
hợp rồng chầu, phượng vũ. Tiền bái có ba gian cửa chính, cửa đóng theo thức
cửa cổ, cửa thùng khung khách, mỗi gian bốn cánh, cánh theo kiểu thượng song
hạ bản. Chắn phong trên cửa và trên cổ diêm của tòa tiền bái là hệ thống con
song tiện, tạo cho phía trong đền thoáng và sáng hơn. Tường phía trước của hai
gian hồi tiền bái trổ cửa sổ hình tròn, đặt tấm đan thoáng kiểu hình chữ thọ
cách điệu.
Hệ thống khung chịu lực của nhà tiền bái bằng bê tông, cốt sắt, kết cấu gồm
bốn bộ vì, vì hai hàng chân cột, toàn bộ cột quân được thay thế bằng tường bao
che. Bộ vì cấu trúc vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, con nhị, vì nách thuận
chồng ba con. Hệ thống vì tòa tiền bái được liên kết chặt chẽ với nhau qua hệ
thống xà thượng, xà hạ được tạo dáng vỏ măng, chắc khỏe.
Tòa hậu cung, bộ khung chịu lực làm bằng bê tông, cốt sắt, cấu tạo gồm
ba bộ vì, các bộ vì cấu tạo tương tự như bộ vì tòa tiền bái. Trên cấu kiện kiến
trúc của các bộ vì của hai tòa tiền bái, hậu cung, như: trên thuận, đầu xà đều
được đắp trang trí theo đề tài lá guột, mềm mại. Đấu kê thuận tạo hình vuông
thót đáy, trên đấu đắp hoa văn, hoa sen cách điệu.
Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh, nên đồ thờ
tự, tế khí của đền cũng bị hủy hoại, mất mát, hiện chỉ còn bảo tồn được bộ long
ngai và thần tượng Ngài Hoàng Công Thản. Long ngai, thần tượng và khám đều
làm bằng gỗ quý và được đặt trên bệ thờ cao trong cung cấm. Thần tượng ngồi trên
bệ ngọc trong long ngai và trong khám thờ lớn. Thần tượng trong tư thế phụng
triều, mặc phẩm phục, có cân đai, chân đi hia, phẩm phục thêu rồng, mây, sóng
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 312