Page 34 - Di san van hoa An Duong
P. 34
với dân làng đã thể hiện đạo đức, phẩm chất cao đẹp của chị em bà mãi mãi được
khắc ghi trong tâm thức của người dân địa phương.
Vị Thành hoàng thứ 4, Ngài Trần Quốc Tuấn. Ông là Anh hùng dân tộc, một
vị tướng kiệt xuất được liệt vào trong 10 vị tướng nổi danh nhất thế giới. Trần
Quốc Tuấn là linh hồn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên
Mông lần thứ 2, thứ 3 của dân tộc ta vào thế kỷ XIII. Ông là vị Đại Vương, trung
thần, tài, đức vẹn toàn, trung quân, ái quốc tiêu biểu cho các thời đại trong lịch
sử Việt Nam. Ngài được người dân Việt Nam coi như bậc cha, bởi vậy dân gian có
câu ca: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, cha ở đây chính là Trần Quốc Tuấn,
vì ông mất ngày 20 tháng 8 âm lịch. Lễ hội tưởng niệm ngày mất của ông diễn ra
hằng năm tại đền Kiếp Bạc. Ngài Trần Quốc Tuấn hiển thánh và là vị thánh tối
linh thiêng, nên được rất nhiều nơi dựng đền, miếu, phủ, điện phụng thờ, kể cả
trong các điện tư gia của các gia đình. Kiều Thượng cũng như nhiều địa phương
khác đã tôn Trần Quốc Tuấn phụng thờ làm Thành hoàng làng.
Vị Thành hoàng thứ 5, Ngài Phạm Tử Nghi, ông người làng Niệm Nghĩa,
huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Bởi vậy người dân thường gọi
ông là Đức Thánh Niệm. Ông là danh tướng Nhà Mạc, thế kỷ XVI, có nhiều công
lao với dân với nước. Đặc biệt, ông là vị thánh rất linh thiêng trong tâm thức dân
gian. Theo tín ngưỡng của người dân, Ngài thường hiển linh phù giúp cho người
dân ở các cửa sông, cửa biển, nơi có những bến sông, bến đò và phù hộ cho những
người làm ăn trên sông nước. Kiều Thượng là địa phương có bến đò, người dân gần
sông và làm ăn liên quan trên sông nước, nên đã tôn vinh, phụng thờ Ngài Phạm
Tử Nghi làm Thành hoàng làng. Di tích đình Nhu Thượng còn lưu giữ được đạo sắc
phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1924), ban phong gia tặng cho Phạm Tử
Nghi: “... Hoằng hiệp Thượng đẳng thần...”.
Đình Nhu Thượng tương truyền được khởi dựng vào thế kỷ XVII, dấu tích
hiện nay vẫn còn trên nền đình, tường xây bao che của đình còn khá nhiều những
viên gạch của thời Lê - Mạc, thời Hậu Lê, thế kỷ XVI đến XVII. Thuở ban đầu đình
Nhu Thượng làm gần với ngôi chùa làng ở gần bờ sông, sau được di chuyển vào
vị trí hiện nay.
Đình Nhu Thượng nằm trên một khu đất rộng cao ráo, thoáng mát, đình
nhìn về hướng Tây ghé Nam. Trước đình là khu cánh đồng kéo dài đến dòng
sông Lạch Tray. Trước đình Nhu Thượng xa xa vọng về núi Thiên Văn hùng vĩ
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 34