Page 140 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 140

140    Ñòa chí Quaûng Yeân



               tại đây thuộc hai giai đoạn sớm và muộn. Giai đoạn sớm tương đương với văn hóa Phùng
               Nguyên cách ngày nay khoảng 3.000 - 3.500 năm và giai đoạn muộn tương đương với
               lớp văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.700 năm.
                  Cư dân cổ Đầu Rằm có trình độ văn minh cao. Họ biết kết hợp làm nông nghiệp với
               đánh bắt cá, khai thác nhuyễn thể và săn bắt thú rừng. Họ còn là những người thợ thủ
               công giỏi chế tác đồ trang sức. Quá trình tụ cư ở đây, cư dân cổ Đầu Rằm đã có sự giao
               thoa văn hóa với cư dân đồng bằng Bắc Bộ và nhiều nơi khác.

                  II. Quảng Yên trong thời kỳ dựng nước

                  1. Quảng Yên thời Hùng Vương
                  Sau một quá trình lao động và sáng tạo, từ những công cụ bằng đá cũ thô sơ tiến đến
               sự phát minh ra kỹ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước dùng cày có sức kéo
               là trâu bò; đời sống vật chất và tinh thần của người nguyên thủy Việt Nam ngày càng
               được nâng cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội, đưa đến hình thành một lãnh thổ,
               một nền văn hóa, văn minh và một tổ chức chính trị - xã hội chung, đó là quốc gia và
               Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong lịch sử xã
               hội Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ dựng nước.

                  Nhà nước Văn Lang ra đời vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn, trong thiên niên kỷ thứ
               I TCN, khoảng 2.500 - 2.700 năm cách ngày nay. Tổ chức bộ máy nhà nước còn hết sức
               đơn sơ. Đứng đầu là Hùng Vương, giúp việc cho Vua Hùng có các Lạc hầu. Cả nước chia
               làm 15 bộ, đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng. Dưới bộ là các công xã, do Bồ chính cai quản.
               Vùng đất Quảng Yên lúc này thuộc bộ Ninh Hải - một bộ có vị trí quan trọng của quốc
               gia Văn Lang. Các đợt khai quật tại di chỉ khảo cổ Đầu Rằm (xã Hoàng Tân) cho thấy,
               vùng đất Quảng Yên còn lưu giữ được nhiều hiện vật của cư dân thời Hùng Vương. Đó là
               những hiện vật bằng đá, bằng đồng, bằng sắt và các mảnh gốm mang phong cách Đường
               Cồ, đại diện cho văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng 2.000 - 2.700 năm cách ngày nay.

                  Trong giai đoạn này, đời sống của cư dân Đầu Rằm có sự thay đổi rõ rệt. Mặc dù không
               gian sinh sống bị thu hẹp so với giai đoạn trước nhưng có sự bố trí rất hợp lý, hài hòa.
               Họ sinh sống chủ yếu trên vùng “trũng yên ngựa” ở núi Đầu Rằm nhỏ trong thời gian
               khá dài, chôn người chết ở khu vực bãi cát phía Nam chân núi Đầu Rằm nhỏ, có một bếp
               hoặc khu chế tác công cụ tạm thời ở khu vực sườn phía Bắc núi Đầu Rằm nhỏ và một
               số ít hoạt động ở chân núi Đầu Rằm lớn. Đây có thể được coi là một mô hình cư trú lâu
               dài theo kiểu định canh định cư của một làng nông nghiệp điển hình của người Việt cổ.

                  Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Đầu Rằm dưới thời Văn Lang khá phong
               phú, chất phác, hòa nhập với thiên nhiên. Ở giai đoạn này, những tàn tích thức ăn được
               tìm thấy nhiều hơn thông qua các mảnh nhuyễn thể và xương động vật, xương cá dày
               đặc trong tầng văn hóa. Người Đầu Rằm mặc dù vẫn khai thác các sản vật từ rừng (săn
               bắt thú rừng như hươu, nai, hoẵng) nhưng họ đã chú ý đến chăn nuôi (chó, bò, lợn, gà...)
               và khai thác sản vật từ biển (cá, ốc...) nhiều hơn. Điều đó cho thấy nguồn thức ăn của
               họ khá ổn định và phong phú.

                  Đời sống kinh tế của cư dân Đầu Rằm trong giai đoạn Đông Sơn vẫn còn sơ khai,
               mang tính tự cung tự cấp là chủ đạo nhưng đã có nhiều chuyển biến đáng kể so với
   135   136   137   138   139   140   141   142   143   144   145