Page 144 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 144

144    Ñòa chí Quaûng Yeân



               Nhà Ngô đô hộ. Năm 280, Nhà Tấn thống nhất Trung Quốc, tiếp tục đô hộ, mở rộng địa
               giới nước ta đến Hoành Sơn. Sau khi Nhà Tấn suy yếu, ở Trung Quốc diễn ra cục diện
               Nam - Bắc triều, trong đó Giao Châu phụ thuộc lỏng lẻo vào các thế lực phong kiến Nam
               triều là Tống, Tề, Lương, Trần (420 - 589). Dưới thời Ngô, Tấn, Tống, vùng đất Quảng
               Yên vẫn thuộc huyện An Định, quận Giao Chỉ. Đến thời Nhà Lương (502 - 557), Giao
               Châu được chia lại thành 6 châu: Giao Châu (bao gồm vùng đồng bằng và trung du Bắc
               Bộ), Hoàng Châu (miền biển Đông Bắc Giao Châu cũ, địa bàn Quảng Ninh ngày nay),
               Ái Châu, Minh Châu, Đức Châu, Lợi Châu. Địa bàn Quảng Yên bấy giờ thuộc quận Hải
               Ninh của Hoàng Châu .
                                       (1)
                  Năm 589, Nhà Trần ở Trung Quốc bị tiêu điệt, Nhà Tùy lên thay. Lúc này, mặc dù
               chưa xâm lược được nước ta và chưa đánh bại được Nhà nước độc lập Vạn Xuân nhưng
               Nhà Tùy đã tìm mọi cách để khẳng định quyền đô hộ nước ta. Năm 598, Nhà Tùy cho
               đổi Hoàng Châu thành Ngọc Châu. Năm 607, sau khi đánh bại Nhà nước Vạn Xuân,
               ổn định được nền đô hộ trên đất nước ta, Vua Tùy là Tùy Dưỡng Đế cho bỏ đơn vị hành
               chính cấp châu và lập lại cấp quận. Nước ta được chia làm 7 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân,
               Nhật Nam, Tỉ Cảnh, Hải Âm, Lâm Ấp, Ninh Việt (do Ngọc Châu hợp với Khâm Châu
               tức miền Hồng Quảng và Khâm Châu của Quảng Đông) . Vùng đất Quảng Yên lúc này
                                                                          (2)
               thuộc quận Ninh Việt.
                  Năm 618, cha con Lý Uyên được sự ủng hộ của Tập đoàn địa chủ Hoa Bắc đã kết
               thúc cục diện cát cứ, lập ra Nhà Đường. Nhà Đường bãi bỏ các quận, khôi phục lại các
               châu nhỏ thời Nam triều. Năm 622, Nhà Đường lập Giao Châu đô hộ phủ. Năm 679,
               Đường Cao Tông chia đất Giao Châu thành 12 châu: Giao Châu, Phong Châu, Trường
               Châu (Bắc Bộ ngày nay), Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Vũ An Châu (Quảng
               Đông, Quảng Tây), Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu (Bắc Trung Bộ),
               Lục Châu (thuộc đất Trung Quốc và vùng Quảng Ninh)  và đổi gọi thành An Nam đô
                                                                          (3)
               hộ phủ. Địa bàn Quảng Yên trong giai đoạn này thuộc Lục Châu.

                  Trong hơn một nghìn năm đô hộ nước ta, các triều đại phong kiến phương Bắc đã
               bằng nhiều biện pháp và thủ đoạn thâm độc, vừa vơ vét, bóc lột tàn bạo, vừa thực hiện
               chính sách đồng hóa dân tộc, khủng bố và đàn áp tàn bạo các cuộc đấu tranh của nhân
               dân ta. Song với ý chí không chịu khuất phục, nhân dân ta đã liên tục vùng lên đấu
               tranh vũ trang giành lại độc lập. Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc còn diễn ra liên tục
               trên mặt trận văn hóa - tư tưởng để bảo tồn và phát huy những tinh hoa, giá trị nền
               văn hóa cổ truyền. Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài giữa xâm lược, đô hộ, đồng hóa
               với chống xâm lược, chống đô hộ, chống đồng hóa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của
               nhân dân ta trong tiến trình lịch sử thời kỳ Bắc thuộc. Địa bàn Quảng Yên thời kỳ này
               tuy cộng đồng dân cư chưa đông nhưng nhân dân luôn hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa
               chống lại triều đình phong kiến phương Bắc, tiêu biểu là trận Bạch Đằng do Ngô Quyền
               lãnh đạo năm 938.


               (1)  Xem Đại Nam nhất thống chí, tập 4, sđd, tr.6.
               (2)  Vũ Duy Mền (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập 1, sđd, tr.342.
               (3)  Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh: Đại cương lịch sử Việt Nam,
               tập 1, sđd, tr.68.
   139   140   141   142   143   144   145   146   147   148   149