Page 141 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 141
Phaàn II: Lòch söû vaø truyeàn thoáng 141
giai đoạn trước. Ở giai đoạn này, công cụ bằng đá vẫn được sử dụng phổ biến, nhưng nó
dần được thay thế bằng công cụ đồng thau, sau là đồ sắt. Với những kinh nghiệm đã tích
lũy được, các cư dân tập trung phát triển nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi, các nghề
thủ công, đánh bắt thủy hải sản, giao thương...
Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, cư dân Đầu Rằm thời Hùng Vương có tục nhuộm
răng đen, xăm mình, dùng đồ trang sức được chế tác từ đá, đồng thau và vỏ của các loài
nhuyễn thể. Tín ngưỡng chủ yếu và phổ biến của cư dân là tục sùng bái tự nhiên, như
thờ thần Nông, thần Sông, thần Núi, thần Biển... và tục phồn thực với những nghi lễ cầu
mong được mưa thuận gió hòa, giống nòi phát triển. Nét đặc sắc của cư dân là thờ cúng
tổ tiên, sùng kính những người có công với làng, với nước. Đời sống tinh thần của cư dân
cổ Đầu Rằm còn được thể hiện qua tư liệu mộ táng. Hầu hết các mộ táng được phát hiện
trong giai đoạn này đều có đồ tùy táng cho thấy người cổ giai đoạn này đã có tục chia
của. Đây chính là quan niệm “trần sao âm vậy” và quan niệm về thế giới bên kia. Bên
cạnh đó, những đồ tùy táng còn cho thấy sự phân tầng trong xã hội khá rõ. Những người
có nhiều của cải sẽ được chia nhiều sau khi chết và ngược lại người ít của cải được chia
ít hoặc không có gì. Tuy nhiên, trong số những mộ táng tìm được, chưa thấy mộ nào có
nhiều đồ tùy táng hơn hẳn các mộ khác với những đồ quý hiếm, thể hiện rằng “ở Đầu
Rằm giai đoạn này sự phân hóa giàu nghèo đã có nhưng chưa có tầng lớp thực sự giàu,
cũng chưa có sự thống trị của người có vai trò “thủ lĩnh” trong cộng đồng” .
(1)
Dưới thời đại Hùng Vương, chống giặc ngoại xâm đã trở thành một nhân tố quan
trọng thúc đẩy sự lớn mạnh của quốc gia Văn Lang. Các truyền thuyết dân gian kể lại
cuộc chiến đấu chống lại giặc Man, giặc Mũi Đỏ, giặc Ân... xác nhận từ thời các Vua
Hùng, nhân dân ta đã nhiều lần đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Đến cuối thời Hùng Vương, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa lớn. Nhà Tần
được thành lập năm 221 TCN đã mở rộng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn
ra cả hai phía Bắc - Nam, lập thành một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung
Quốc. Về phía Nam, kế tục và phát triển chủ trương “bình Bách Việt” của nước Sở trước
đây, Tần Thủy Hoàng đã sai 50 vạn quân xâm lược đất đai của các dân tộc thuộc cộng
đồng Bách Việt ở phía Nam Trường Giang, trong đó có nước Văn Lang. Trong cuộc
chiến chống quân xâm lược nhà Tần, hai bộ lạc Lạc Việt và Tây Âu vốn gần gũi về dòng
máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hóa nay lại liên kết chặt chẽ với nhau trong
cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Với ý chí không chịu khuất phục, người Tây Âu và
người Lạc Việt đã chiến đấu ngoan cường. Họ rút vào rừng “không ai chịu để cho quân
Tần bắt, ngày ẩn, đêm đánh phá quân xâm lược, dựa vào các chiềng, chạ, tận dụng địa
hình, địa vật hiểm trở là núi rừng để chiến đấu lâu dài, tiêu hao binh lực địch” . Khi
(2)
quân Tần lâm vào tình thế khốn quẫn, người Việt tập hợp tổ chức đánh lớn nhằm tiêu
diệt sinh lực địch, giết chết tướng Đồ Thư, buộc nhà Tần phải ra lệnh bãi binh, rút quân
khỏi nước ta. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc ta chống lại họa xâm lược
của phong kiến phương Bắc.
(1) Nguyễn Thị Hảo: Phân tầng xã hội ở di tích Đầu Rằm (Quảng Ninh) qua tư liệu mộ táng, Bài viết
gửi Hội nghị Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2017.
(2) Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh: Đại cương lịch sử Việt Nam,
tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.48.