Page 421 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 421
Phaàn IV: Kinh teá 421
nông dân, trong lúc nông nhàn, họ chế biến lương thực thành bún, bánh giầy, bánh gio,
bánh đa, sử dụng gỗ, tre để làm nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, ngư cụ, thuyền tre, đóng
thuyền gỗ... Do vậy, nghề thủ công ở Quảng Yên thời kỳ này đã phát triển và hình thành
một số làng chuyên sản xuất một số sản phẩm nhất định như: làng Hưng Học (Nam
Hòa) chuyên sản xuất nông cụ và thuyền nan, làng Cống Mương (Phong Cốc) chuyên
đóng tàu, thuyền truyền thống, làng Yên Trì (Hiệp Hòa) chuyên sản xuất bún... Sự kết
hợp giữa sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp đã phản ánh tính chất tự cung, tự
cấp của nền kinh tế thời phong kiến.
Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân tiến hành khai thác thuộc địa trên mọi
lĩnh vực của đời sống kinh tế, trong đó có thủ công nghiệp, đặc biệt là trong nghề làm
muối và nấu rượu để bảo vệ vị trí độc quyền trên thị trường. Song, các nghề truyền
thống của Quảng Yên vẫn được duy trì.
Có thể thấy, thủ công nghiệp ở Quảng Yên trước năm 1955 chỉ là một nghề phụ của
sản xuất nông nghiệp và chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình với các sản phẩm
phục vụ đời sống hằng ngày của người dân như: cày, cuốc, rổ, rá, thuyền nan, đó, lờ,
gạch... Mặc dù sản xuất tiểu thủ công nghiệp trước năm 1954 còn nhỏ lẻ và không có
nhiều điều kiện phát triển, song đây là tiền đề cho sự phát triển của ngành tiểu thủ
công nghiệp trong các giai đoạn tiếp theo.
2. Tiểu thủ công nghiệp từ năm 1955 - 1985
Sau khi hòa bình lập lại, Huyện ủy Yên Hưng chủ trương khôi phục và phát triển
tiểu thủ công nghiệp, nhất là các nghề truyền thống như: mộc, đóng thuyền, đan tre,
đúc gang... Trong thời gian này, sản xuất tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là làm gia công
cho mậu dịch quốc doanh phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt tại địa phương. Tuy
nhiên, do thiếu vốn nên tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển theo đúng tiềm năng, thế
mạnh của huyện, nghề đúc gang thất thường, nghề đóng thuyền đình trệ, sản xuất vôi
chỉ đạt 50% kế hoạch đề ra.
Thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Đảng bộ và chính
quyền chú trọng xây dựng hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, phát triển các nghề tiểu thủ
công nghiệp và nghề phụ trong các hộ gia đình, Hợp tác xã Thành Công được phân công
sản xuất nông cụ phục vụ sản xuất. Đến cuối năm 1965, huyện Yên Hưng có 19 hợp tác
xã thủ công nghiệp, trong đó có 4 hợp tác xã bậc cao, 1.472 lao động, 29 hợp tác xã kiêm
sản xuất thủ công nghiệp. Phương hướng sản xuất, phục vụ của các hợp tác xã thủ công
được xác định rõ ràng, tổ chức quản lý dần đi vào nền nếp, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ được
hợp nhất thành cơ sở lớn hơn.
Trong những năm 1965 - 1968, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn
huyện chịu nhiều ảnh hưởng bởi các đợt bắn phá của máy bay Mỹ, nhiều công xưởng,
hợp tác xã phải chia nhỏ, phân tán để đảm bảo hạn chế tối đa những thiệt hại về con
người và tài sản, do đó giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp có sự sụt giảm, từ
5.786 nghìn đồng (năm 1965) còn 5.208 nghìn đồng (năm 1968).