Page 317 - Maket 17-11_merged
P. 317
CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
4.2 Ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn, thu
hút các nguồn lực trong nền kinh tế đầu tư cho nông nghiệp
Chính sách đầu tư công cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua
còn một số vấn đề đặt ra. Do đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công
cho nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện trong thời
gian tới, như tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phân
bổ NSNN bảo đảm hài hòa lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công
nghiệp với các địa phương thuần nông. Ngoài ra, để thu hút đầu tư tư nhân vào
lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thông qua hình thức PPP, cần có giải pháp đột
phá nhằm tận dụng lợi thế về vốn, trình độ, năng lực quản trị và cả thế mạnh về
chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu thế giới, cũng như của Việt Nam trong
lĩnh vực nông nghiệp.
4.3 Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tháo gỡ các khó khăn, vuớng mắc trong các thủ
tục tiếp cận vốn vay nông nghiệp
Nhà nước cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp đối với một số địa phương theo
giá thị trường để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm
đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Các tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt điều kiện
cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp; cải thiện điều kiện tiếp cận vốn, bao
gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp như: mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không
phải thế chấp tài sản; bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông
nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay.
Trong thời gian qua, chính sách tín dụng đối với nông nghiệp ở Việt Nam hầu
hết ưu ái cho khu vực chính thức và hướng vào các ngân hàng thương mại lớn. Nhà
nước chưa hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho lĩnh
vực nông nghiệp. Các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn
điệu, chủ yếu cho vay theo nhóm, cho vay hạn mức... Bên cạnh các chính sách, ưu đãi
tạo điều kiện cho khu vực tín dụng chính thức phát triển, Nhà nước cần có các chính sách
ưu đãi khuyến khích cho khu vực tín dụng phi chính thức.
Phát triển nông nghiệp bền vững là một hợp phần quan trọng không thể thiếu của
phát triển bền vững nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của cả nước, đồng thời là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, các chính sách
tài chính cần được nghiên cứu, rà soát và sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới của nền
kinh tế - xã hội, đồng thời có thể góp phần khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp phát triển
theo các mục tiêu đã đề ra.
315