Page 338 - Maket 17-11_merged
P. 338

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

               Thực tế cho thấy, đối với các xã ĐBKK, việc phấn đấu đạt chuẩn NTM chỉ nên là
           động lực hướng tới trong dài hạn chứ không phải là áp lực cần đạt được trong ngắn hạn.
           Chính vì thế, hướng tiếp cận xây dựng NTM từ cộng đồng thôn, bản đối với khu vực
           ĐBKK là cần thiết và phù hợp vì:
               - Thứ nhất, đối với cấp xã, phần lớn các xã khó khăn nằm ở khu vực biên giới, vùng
           đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, có địa hình
           phức tạp và chia cắt, khoảng cách kết nối giữa xã với trung tâm huyện và giữa các thôn,
           bản với trung tâm xã rất xa, nhiều nơi lên đến hàng chục km. Khoảng cách xa, địa bàn
           rộng, dân cư phân tán, hệ thống giao thông chưa đảm bảo, vật liệu xây dựng tại chỗ thiếu,
           dẫn đến suất đầu tư cho một công trình hạ tầng ở những xã này rất lớn, thường cao gấp
           2-3 lần so với khu vực đồng bằng. Để đầu tư cho những xã này đạt chuẩn được những tiêu
           chí về hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, điện, thủy
           lợi…) thì phải cần một nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước lên tới hàng trăm
           tỷ đồng/xã và điều này là không khả thi do nguồn ngân sách có hạn. Bên cạnh đó, các xã
           thuộc vùng ĐBKK có thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân
           trí còn nhiều hạn chế, liên kết tổ chức sản xuất kém phát triển, hoạt động chăn nuôi chưa
           đảm bảo vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh thấp… Trong
           điều kiện đó, các xã này cũng khó có thể hoàn thành các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo,
           tổ chức sản xuất, môi trường cũng như nhiều tiêu chí khác.
               - Thứ hai, đối với cộng đồng thôn, bản, do các xã ĐBKK thường có địa bàn rộng, dân
           cư phân tán, nên sự gắn kết và đồng thuận của cộng đồng dân cư thường nằm trong phạm
           vi thôn, bản bởi nhiều yếu tố tương đồng như: (i) có nhiều điểm chung về văn hóa, phong
           tục, tập quán, sử dụng chung tài nguyên, hạ tầng, có các hoạt động sản xuất giống nhau...;
           (ii) có mối quan hệ bền chặt qua nhiều thế hệ, có sự gắn bó mật thiết với nhau trong cùng
           một môi trường sinh sống; (iii) có tri thức bản địa, kinh nghiệm, hiểu biết về đặc điểm đất
           đai, khí hậu, mùa vụ, văn hóa, con người ở địa phương nơi họ chung sống. Do đó, phát huy
           tính chất cộng đồng theo từng thôn, bản ở khu vực khó khăn chính là phát huy những nét
           đặc trưng bản địa, những giá trị văn hóa truyền thống, sức mạnh cộng đồng, đó cũng chính
           là giá trị của NTM ở những địa bàn đặc thù mà không thể đo đếm bằng tiêu chí NTM ở
           cấp xã. Những kết quả đạt được trong từng thôn, bản sẽ từng bước góp phần giúp cấp xã
           đạt được kết quả tốt hơn trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

               - Thứ ba, thực trạng xây dựng NTM ở vùng ĐBKK cho thấy nếu như chỉ tập trung
           xây dựng NTM theo các tiêu chí cấp xã và đánh giá kết quả thực hiện dựa trên mức độ
           hoàn thành tiêu chí NTM thì các xã ĐBKK không thể theo kịp các yêu cầu đặt ra. Về bản
           chất, tiêu chí NTM chỉ là những định mức cụ thể trên các lĩnh vực khác nhau để định
           hướng cho các địa phương thực hiện và phấn đấu đạt được nếu đủ điều kiện. Còn mục tiêu
           cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người



                                                336
   333   334   335   336   337   338   339   340   341   342   343