Page 117 - thphanvantriq1_1105581_1ho-chi-minh-bien-nien-tie
P. 117
117
Tác giả mỉa mai: “Cố nhiên, bài diễn văn xào nấu trong các thứ nước cốt của quan
lớn như vậy, thì hương vị của lòng trung thành và lòng ái mộ bất diệt đối với nước
Pháp phải xông lên đến ngạt mũi…
Nếu người chết nói được, như bọn đồng cốt bảo thế, thì những hồn ma An Nam ở
Nôgiăng sẽ lên tiếng: “Cảm ơn, ông Toàn quyền! Nhưng xin làm ơn… cút đi cho!”.
- Nguyễn Ái Quốc: Những bài đăng trên báo Le Paria, Nxb. Sự thật, Hà Nội,
1987, tr.71, 74 - 75.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.184-
190.
Tháng 7, đầu tháng
Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva sau một thời gian rất ngắn lưu lại Pêtơrôgrát.
- Thư gửi đồng chí Vôitinxki, ngày 11-9-1924. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí
Minh.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.57 - 58.
Tháng 7
Từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhấn
mạnh sự cần thiết phải thực hiện những Nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Quốc
tế về vấn đề thuộc địa, vì theo nhận xét của Người: “cho đến nay, những Nghị quyết
ấy chỉ được dùng để tô điểm mặt giấy! Phân bộ Pháp, Phân bộ Anh và những phân
bộ các nước thực dân khác đã làm gì cho các thuộc địa của chủ nghĩa tư bản nước
họ? Những phân bộ ấy đã có một chính sách thuộc địa và một cương lĩnh rõ rệt về
thuộc địa, chính xác và liên tục chưa? Những chiến sĩ của các bộ phận ấy có hiểu
thuộc địa là gì và tầm quan trọng của thuộc địa là như thế nào không? Người ta có
thể trả lời là không”.
Người phê bình báo L'Humanité đã bỏ mục Diễn đàn của các thuộc địa, và báo chí
của đảng thì đưa tin rất chậm chạp về tình hình các nước thuộc địa.
Cuối thư, Người nêu cụ thể tám yêu cầu đối với Đảng Cộng sản Pháp.
Trong tháng, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Tệ độc đoán ở Đông Dương -
Người được bảo hộ và người đi bảo hộ, đăng trên báo Le Paria, số 16.
Tác giả thuật lại việc một “ông cẩm” (cảnh sát) ở Đà Lạt (Trung Kỳ) cậy quyền thế,
bắt một nhà buôn gỗ phải nộp gỗ ván cho hắn. Nhà buôn này không nghe, đòi phải
trả tiền. Viên cẩm bèn sai lính đến bắt nhà buôn. Nhà buôn sợ quá, mặc dù đang ốm
cũng phải chạy trốn sang tỉnh khác. Một thầy thuốc người Âu thấy thế can thiệp, liền
bị đuổi đi, bị đày lên Kon Tum, một nơi nước độc mà người Âu rất sợ. “Viên thầy
thuốc đó đang đền cái đại tội thân người bản xứ của ông”. Còn nhà buôn người Việt
Nam kia thì “bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “ghét Tây”,
vào số những kẻ còn cần theo dõi”.
- Bút tích bức thư. Bản chụp lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.