Page 184 - thphanvantriq1_1105581_1ho-chi-minh-bien-nien-tie
P. 184
184
Hoa kiều sống ở Đông Dương đều bị bọn thực dân Pháp ra sức áp bức và bóc lột.
Thuế khoá nặng nề. Cũng như người An Nam, Hoa kiều đều bắt buộc phải có giấy
thông hành mới được đi từ nơi này đến nơi khác, tốn rất nhiều tiền và mất nhiều thì
giờ, đồng thời lại bị trở ngại rất lớn trong công việc buôn bán. Công nhân Hoa kiều
không có quyền tự do tổ chức. Tất cả những sự việc đó và những sự hà lạm khác đã
gây nên một phong trào chống Pháp trong giới người Hoa, phong trào này kết hợp
với tinh thần quật khởi của người An Nam sẽ là một nguy cơ rất lớn cho chủ nghĩa
đế quốc.
Chính vì tất cả những lý do ấy đã khiến đế quốc Pháp tìm cách chia rẽ Hoa kiều và
người An Nam, làm cho họ chống lẫn nhau.
Nhưng âm mưu của bọn đế quốc từ ngày 19 đến 22-8 quá ư lộ liễu khiến ngay những
người không chú ý lắm cũng thấy rõ được. Trong một nước có chế độ kiểm duyệt
thường xuyên, có tất cả những viên chức kể cả các đốc học và giáo viên đều làm mật
thám, một nước mà mỗi tháng người ta trả ba mươi đồng cho mỗi học sinh tình
nguyện làm mật thám, một nước mà bất kỳ cuộc hội họp và tập hợp nào cũng đều bị
cấm đoán cả, làm thế nào mà trong những điều kiện ấy, người ta lại có thể tổ chức
những cuộc ẩu đả đổ máu như vậy được? Làm sao mà bọn cảnh sát và nhà chức trách
Pháp - luôn luôn được thông báo về bất kỳ một hành động nhỏ nào của người bản
xứ và lúc nào cũng sẵn sàng đàn áp - lại chỉ can thiệp rất muộn, sau khi đã có nhiều
người bị giết chết, nhiều thiệt hại đã xảy ra? Vì sao mà những cuộc ẩu đả ấy lại có
thể kéo dài từ 19 đến 22-8 mà không có lấy một biện pháp nào để ngăn chặn cả?
Bởi vậy, người ta bắt buộc phải kết luận rằng cuộc xung đột ấy không những được
bọn đế quốc Pháp làm ngơ mà chúng còn có dụng ý nhen lên và gây ra nữa.
VIỆN "ĐUMA" AN NAM
Do sự thúc ép của quần chúng bản xứ, bọn đế quốc Pháp buộc phải nhân nhượng
hoặc nói cho đúng hơn là giả bộ nhân nhượng. Chúng phái một "đảng viên Đảng Xã
hội" sang làm toàn quyền. Chúng tung ra khẩu hiệu "Pháp - An Nam hợp tác". Chúng
tổ chức ra "Viện dân biểu".
Song kết quả lại hoàn toàn trái với điều mong muốn của chúng. Sau một thời kỳ nuôi
ảo tưởng, người An Nam bây giờ đã biết thế nào là một đại biểu của Quốc tế thứ hai.
Họ thấy rằng, sự "hợp tác" được ca tụng nhiều như thế đã thể hiện thành những sự
bóc lột bỉ ổi và những cuộc đàn áp thẳng tay đối với bất kỳ một cuộc biểu dương
chính trị nào của người bản xứ.
Viện "Đuma" An Nam (không phải do cuộc đầu phiếu phổ thông mà chỉ do các kỳ
mục, địa chủ và thương nhân bầu ra) không hề xoa dịu được người An Nam, mà còn
đưa lại cho họ cơ hội để tỏ rõ tinh thần phản kháng của mình.
Trong các cuộc bầu cử vừa qua, những người ra ứng cử, mà nhiều người biết rõ
những hoạt động yêu nước của họ và việc họ chỉ trích chế độ cai trị của người Pháp,
cũng như những chính trị phạm đi đày về, đều trúng cử. Mặc dù nhà chức trách Pháp
dùng mưu kế và hăm doạ, nhưng không có một người ứng cử nào do Chính phủ giới
thiệu, lại trúng cử cả.