Page 161 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 161

60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM                            LÊ TRÚC KHANH
           đuổi. Chẳng biết Vọng có đủ sức vác trung liên bar ở quân trường Thủ
           Đức hay không? Cái hình hài ốm yếu ấy đáng lẽ chỉ sinh ra để làm thơ,
           để lang thang từ quán nầy sang quán khác, để đốt từng điếu thuốc lá đen
           mà xót xa cho ước vọng chưa tròn.
              4.

              NHỚ NHƯ IN, BUỔI TỐI SÀI GÒN, THẦY THÔNG XANH NẮM TAY
           CẬU  học  trò “nhà quê” băng qua con đường dập dìu xe ngựa. Khoảng
           cách nhà in Phương Quỳnh đến Phú Thọ Hòa xa tăm tắp. Cái lưng vốn dĩ
           đã cong ngày như một khom thêm chở nặng cơm áo gia đình trong nghề
           “phù thế giáo”. Ông thầy văn nghệ ấy cùng anh tôi - Lê Hà Uyên - đã cho
           tôi một chân trời bát ngát. Màu xanh cỏ non, màu xanh mây nước đã gọi
           mời tôi làm một chuyến hành hương về địa đàng xanh nở đầy hoa châu
           báu. Năm ấy, tôi làm báo xuân cho trường. Hầu hết Ban báo chí đều là
           bạn bè trong nhóm Về Nguồn nên rất hợp tính nhau. Hơn tháng trời lê
           la, ăn ngủ thất thường, chúng tôi chẳng được gì ngoài nhớ thương khi lần
           về kỷ niệm. Chính nơi đó, tôi đã gặp Phạm Trường Giang, Lê Tiến Minh,
           Vũ Phan Trần, Lê Viễn Xứ, Thiên Lang, Vị Chương, Mặc Uyên Thi, Lê
           Uyên Sơn, Hoàng Tuấn Phương, Hàn Song Thu (Bùi Hữu Trạng), Cỏ May
           (Trịnh Ngọc Thảo), Hồ Hải Triều, Du Kim Lăng, Trương Huyền Diệu....
           và mệt mỏi bủa vây, những đêm không ngủ, những ngày ngược xuôi đem
           văn nghệ rao bán khắp nơi. Mùa đông đến trong lòng tôi bằng rã rời, xa
           vắng. Buổi sáng thức giấc nghe gió thổi xạc xào qua bụi tre, chợt thương
           thân mình - hiện tại và tương lai - bị vây bủa trùng trùng bởi đói nghèo,
           bệnh tật. Hừng đông ở Phú Thọ Hòa nhớ thương bạn bè vô kể. Buổi sáng
           đầu tiên ở đây giật mình nghe tiếng động vang dội từ một nhà nấu rượu
           lậu nào đó, hơi khói thoát ra y hệt tiếng xe lửa mà tôi được nghe ở thành
           phố Mỹ Tho. Quá khứ lại hiện về chập chờn sau làn sương mỏng. Cậu
           học trò Bến Tre lần đầu tiên theo má sang thành phố “đèn tỏ đèn lu” cứ
           tần ngần khi nghe tiếng còi tàu mà ước ao làm cuộc hành trình qua khắp
           miền quê hương yêu dấu. Hình bóng bạn bè lại đến: những Thanh, Huy,
           Siêu, Giang, Minh, Phương, Khanh… với từng đôi mắt, nụ cười. Lúc ấy,
           nghe thèm thuồng làm sao ly cà phê sữa  nhỏ nơi quán “Bụi Đời” những
           lúc bỏ học rong chơi cùng Thạch Phá Thiên Huỳnh Ngọc Ẩn. Nhớ Huy
           sống đời“ lang bạt kỳ hồ” đầu bạc trắng mà tuổi chưa tới ba mươi. Nhớ
           Huyền Vân Thanh Ngã tư Cây Dương nặc nồng tử khí. Nhớ Thanh Điệp
           gác cầu Phụng Hiệp, nhìn lục bình trôi để thương cuộc đời mình. Nhớ Cái
           Tắc, nhớ lá gòn bay. Nhớ Cái Răng, nhớ đêm hát cúng đình rộn ràng sênh

                                         164
   156   157   158   159   160   161   162   163   164   165   166