Page 32 - Chuyến đi biền biệt
P. 32
Chuyến Đi Biền Biệt Nguyễn Hồng Dũng
trò điều hay lẽ phải như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với
hai ngàn năm trăm đệ tử, Khổng Phu Tử có đến ba ngàn
học trò, Socrates có hàng trăm môn đệ từ nhiều ngàn năm
trước. Mục tiêu của nó chính là uốn nắn, chỉ bảo cho từng
cá nhân có đầy đủ kiến thức về thể chất cũng như tinh
thần làm lợi lạc cho chính bản thân người ấy cũng như
ích quốc lợi sanh.
Vì thế chữ giáo dục và chữ Thầy trò gắn liền vô cùng
mật thiết bởi công hạnh của Thầy luôn là ngọn hải đăng
lèo lái con thuyền giữa biển khơi mênh mông, là kim chỉ
nam cho đoàn hải hành tìm ra bờ bến; thật là tôn quý và
kính trọng biết dường nào.
Từ ngàn xưa việc giáo dục được đặt lên hàng đầu vì
kẻ sĩ tức là người có học được trọng vọng trong thứ bậc
của xã hội. “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi
chi tiên” là một chứng minh hùng hồn nhất để diễn đạt
tầm quan trọng của việc giáo dục hầu xây đắp nền tảng
“vốn liếng tri thức phong phú” của quốc gia. Để cho
“một vốn bốn lời” này thì người Thầy luôn quan tâm trao
truyền ba chiếc chìa khóa cho người học trò có khả năng
khai mở cánh cửa tự tin thanh thản bước vào cuộc đời,
đó là trí, đức và mỹ dục.
Môi trường chung quanh sẽ biến hiện thành, trụ,
hoại, không, mà kiến thức của học trò chưa thông thì vô
cùng tai hại, vì vậy trí dục là chìa khóa khai mở bộ óc để
khám phá, tìm tòi những gì đã, đang và sẽ xảy ra làm
thành bộ sưu tập riêng cho chính mình. Từ đó mà sống
giữa thế gian, người học trò có thể giúp ích được chính
mình và kẻ khác, tận dụng trí dục để phát minh ra những
32