Page 52 - Me Toi
P. 52
còn học sinh. Em mà đi chỉ là vật thừa ngồi bên cạnh để nghe mà thôi, nên em để
cho anh đi một mình. Anh tha hồ muốn nói gì thì nói cho đã miệng…
- Cám ơn em đã hiểu chuyện lòng thòng rau muống Ban-Mê này.
Tôi tới Summerset Mobile Park sau cú điện thoại của Thiệp và cũng vừa đúng giờ để
sửa soạn khai mạc. Vừa bước vào cửa phòng họp tôi gặp Lê Hữu Phước, con bà Giáp
Hiệu trưởng trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ. Tôi nhận ra Phước, trái lại Phước đã
không nhận ra tôi mặc dù tôi và Phước đã có những kỷ niệm thời Phước làm ở Cam
Ranh sau khi tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh.
Thời gian qua thật mau, Phước thay đổi quá nhiều chắc cũng vì tù đầy sau 75. Tiếp đó
tôi gặp lại cặp Khoa-Hồng ở Fresno mới xuống, Mexico Vi-Thể từ Texas, Chị Nho Chùm
và vài người bạn cùng lớp mà tôi đã quên tên. Tôi cũng gặp vài người bạn khác lớp, họ
nhận ra tôi nhưng tôi không tài nào nhận ra họ. Có lẽ tôi là cậu học trò phá phách nhất
của trường cho nên ai cũng nhận ra tôi chăng? Tuy nhiên tôi đã đọc tên họ trên miếng
giấy ID dán trước ngực như Cung (Em Dung), Thắng, Việt, Thụy, Tường, Giang…
Khai mạc họp mặt với tiếng hô chào quốc kỳ của Roãn. Tất cả mọi người đều đứng dậy
và yên lặng trong lời quốc ca Việt Nam sau lời quốc ca của Mỹ.
Thú thật trước năm 75, những lời Việt quốc ca này đã không làm tôi rung động, đã
không là một hình ảnh gì lồng lộng linh thiêng và hùng tráng trong tôi. Nhưng sau năm
75 tôi đã khóc thật sự trong lòng mỗi lần lời quốc ca Việt vang lên cùng với lá cờ treo
trên tường của phòng họp. Những gì thật sự tôi đã có trong tay, tôi đã không thấy trân
quí, khi mất đi rồi tôi cảm thấy mất mát và hối tiếc, nhưng tất cả đã quá trễ…! Sự mất
mát quá lớn mà cả đời tìm kiếm, tôi cũng chẳng có hy vọng làm được như ngày cũ…!
Lời quốc ca: “Này Công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…” mà trước năm 75 tôi
không muốn hát, nay tôi hát thật với lòng mình trên quê hương người với tủi phận lưu
vong, với giọt nước mắt xót xa nghẹn ngào nức nở trong lòng. Tôi nghĩ bạn bè tôi chắc
cũng vậy. Chúng ta chẳng còn được tự do để ca lời nhạc hưng nước dựng cờ này trên
quê hương nghèo hèn đói khổ bên bờ biển Đông, trên mảnh đất ông cha lưu lại với bao
máu xương để mở mang, dựng nước và chống ngoại xâm…!
Tôi ngồi ở cuối hàng ghế bên cạnh Mỹ Thanh và chị Hồng mỹ nhân của Kim Khoa để
xem cây nhà lá vườn trình diễn văn nghệ sau nghi lễ chào cờ. Chị Nho Chùm làm MC
đứng trên bục nói dí dỏm vài câu vui nhộn để tự giới thiệu cái đại danh nặng ký của
chị, và tiếp tục là chị Nhã Đoàn với giọng ca thật ngọt và quyến rũ, chị Nhã Đoàn đã
gởi tới thính giả lời nhạc Về Đây Nghe Em, bản nhạc này tôi đã quên tên người viết
nhạc, nhưng lời nhạc thật đầy ý nghĩa. Lời nhạc gọi chúng ta về bên mẹ Việt, mong
chúng ta đoàn kết để làm đẹp quê hương. Chị đã gởi vào lời nhạc một chân tình và
nhắc nhở tình quê đang trỗi dậy trong lòng mỗi người khi mùa xuân đang tới. Xin cám
ơn chị, một người đứng ngoài Ban-Mê nhưng lòng Việt, lời gọi của chị cũng như sự
mong muốn của chúng ta, những người Ban-Mê…! Hãy nắm tay nhau, yêu nhau đi và
hãy gọi nhau về…!