Page 129 - Di san van hoa An Duong
P. 129
cho quan về tận địa phương xem xét xử kiện. Dân làng Vĩnh Khê đã phải dùng các
chất liệu đặc biệt để làm gạch xây, ngói lợp của đình rêu phong như đã xây dựng
từ lâu đời, nên dân làng đã thắng kiện.
Đình Vĩnh Khê hiện nay nằm trên khuôn viên thoáng mát, rộng trên 11 ngàn
mét vuông. Diện tích khuôn viên đình được mở rộng nhiều so với thời điểm đình xếp
hạng di tích quốc gia là do tầm nhìn và sự cố gắng của lãnh đạo thôn và nhân dân
Vĩnh Khê trong quá trình quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Đình Vĩnh Khê
có những công trình phụ trợ đẹp, hoành tráng như: giếng ngọc có bờ kè, lan can làm
bằng đá; nhà bia, khán đài xem vật, bức bình phong bằng đá có kích thước lớn, trang
trí điêu khắc tinh xảo như một công trình nghệ thuật... Trong khuôn viên đình có
nhiều loại cây quý, hiếm như: cây sưa, long não, cây bao báp... Đặc biệt có cây đa cổ
thụ có tuổi đời trên trăm năm, năm 2019 được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”.
Trước đình là khoảng sân vuông vức, khá rộng, lát gạch đỏ bằng phẳng. Từ
sân bước lên hiên đình qua ba bậc, nhưng do nâng nền sân theo mặt bằng chung
của khuôn viên, nên nay chỉ còn hai bậc. Bậc cấp được ghép bằng những phiến
đá xanh có kích thước lớn, mặt phiến đá đã nhẵn bóng, bởi những bàn chân của
rất nhiều người đến hành lễ nơi đây.
Đình Vĩnh Khê là công trình kiến trúc cổ truyền thống. Dòng lạc khoản khắc
trên thượng lương gian trung tâm đại bái: “Hoàng Khải Định, lục niên, tuế thứ
Tân Dậu trùng tu, lục nguyệt, thập lục nhật, lương thời, thượng lương đại cát”,
nghĩa là vào giờ tốt ngày 16, tháng 6 năm Tân Dậu, niên hiệu Khải Định thứ 6
(1921), trùng tu đình, dựng thượng lương, mọi sự rất tốt đẹp. Như vậy thời điểm
trên đình được di chuyển và trùng tu lớn tại vị trí hiện nay như nói ở trên. Qua
những nét hoa văn điêu khắc trên cấu kiện kiến trúc, có thể khẳng định ngôi đình
được làm vào khoảng giữa thế kỷ XIX, triều vua Tự Đức (1848-1883). Trải qua thời
gian hàng trăm năm, đình Vĩnh Khê đã qua một số lần trùng tu, nhưng vẫn bảo
tồn gần như nguyên vẹn. Những cấu kiện, các mảng điêu khắc, kết cấu kiến trúc
của ngôi đình vẫn như xưa. Đình được làm bằng vật liệu truyền thống: gỗ, gạch
nung, đá xanh... mái lợp ngói mũi hài loại lớn. Đình Vĩnh Khê nhìn về hướng
Nam, hướng cổ nhân thường nói: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ”,
nghĩa là bậc thánh nhân nhìn về hướng Nam để nghe tâu bày, đây là hướng đắc
địa mà người Việt xưa thường chọn xây đình, nơi tạo nên phúc lộc của cả làng.
Phía trước đình là cánh đồng lúa mênh mông, xa xa là dòng sông Lạch Tray uốn
129 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG