Page 132 - Di san van hoa An Duong
P. 132
chạm bong kênh lá guột mềm mại; vì nóc cấu tạo ván bưng, trên câu đầu tạo
khung hình chữ nhật rộng như bức đại tự lớn, bên trong chạm nổi ba chữ Nho:
“Trạc quyết linh”(濯厥灵), nghĩa là nơi đây rất linh thiêng hiển hiện, sáng rõ. Phần
vỉ ruồi trên khung chữ nhật chạm nổi đề tài hổ phù hàm thọ, hai bên khung chữ
chạm nổi hoa lá thiêng và rồng ẩn hiện trong mây chầu vào khung chữ. Bộ vì giữa
được gắn kết cùng với bộ cửa võng lớn, chạm khắc tinh xảo và đều được sơn son
thếp bạc phủ hoàn kim tạo nên vẻ đẹp rạng sáng, lộng lẫy. Bộ vì trong cùng tòa
ống muống gắn với hệ thống cửa cung, vì nách và vì nóc cấu tạo tương tự như bộ
vì giữa, nhưng trong khung đại tự là ba chữ Hán: “Hậu tam tại”(后三在) nghĩa là
nơi đây hậu thế phụng thờ ba vị Thành hoàng.
Hệ thống cửa tạo sự ngăn cách giữa ngoài và trong cung cấm. Cửa chính lớn,
cấu tạo ván lùa, ngưỡng cao ngang tầm bụng người. Cửa chỉ mở vào những dịp sự
lệ lớn của làng để mọi người kiến diện đức thánh. Cửa chính cung cấm hai bên
bạo cửa tạo thành hai khung câu đối. Toàn bộ cánh cửa tạo thành mặt phẳng lớn
và được chạm chìm đồ án tứ linh cùng những giải mây bay rất đẹp, sinh động.
Cửa nách hai bên cửa chính, nơi để mọi người ra vào cung cấm. Cửa có ngưỡng
khá cao, kích thước cửa nhỏ, thấp chỉ đủ để một người đi qua. Cách cấu tạo cửa
nách như trên tạo sự cẩn trọng, cung kính khi vào cung cấm. Toàn bộ hệ thống
cửa cung cùng cấu kiện của bộ vì đều được sơn son thếp mầu vàng tạo cho trước
cung cấm như một bức tranh rộng lớn rạng rỡ, trang nghiêm và rất ấn tượng. Hệ
thống khung chịu lực của tòa cung cấm gồm hai bộ vì bằng gỗ tứ thiết, các bộ vì
cấu tạo đơn giản kiểu giá chiêng, quá giang, được bào trơn đóng bén.
Tuy trải thăng trầm của lịch sử, nhưng đình Vĩnh Khê vẫn bảo tồn được khá
nhiều đồ thờ tự tế khí có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao như: thần tượng, long ngai,
nhang án, câu đối, đại tự, bát biểu, sắc phong, bia đá... Nhiều di vật nay đã thành
cổ vật. Sau đây xin giới thiệu một số di vật có giá trị tiêu biểu của di tích.
- Long khám, long ngai, thần tượng: Thần tượng ba vị Thành hoàng: Vũ Dao,
Vũ Sào và Phạm Tử Nghi được tạo tác bằng gỗ quý, ngồi trong long ngai và đặt
trong một khám lớn tại nơi trang trọng nhất trong cung cấm đình. Thần tượng có
kích thước bằng người thường, tượng mặt vuông chữ điền, mắt sáng nhìn thẳng,
hai tay để tự nhiên trên gối, mặc phẩm phục, đội mũ cánh chuồn, chân đi hia,
trong tư thế ngồi thiết triều. Thần tượng thể hiện thần thái cương nghị, nhưng
cũng rất khoan dung, nhân từ. Toàn bộ long khám, long ngai cùng thần tượng
được sơn son, thếp bạc, phủ hoàn kim trông rất lung linh, trang trọng. Đây là tác
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 132