Page 130 - Di san van hoa An Duong
P. 130
mình chảy ra biển. Vọng xa hơn là dãy núi Phù Liễn, Thiên Văn hùng vĩ như án
lớn cho thế đất đình linh thiêng.
Cảnh quan tôn cho ngôi đình vẻ đẹp tĩnh tại trong không gian thanh bình
của một vùng quê trù phú. Đình Vĩnh Khê là công trình có quy mô kiến trúc, kích
thước khá to lớn, mặt bằng kiểu chữ công, gồm 5 gian tiền tế (còn gọi là đại bái),
hai gian ống muống (nhà cầu) và 3 gian hậu cung, cũng là cung cấm. Móng và
tường bao che của đình xây đá xanh, bít mạch bằng vữa vôi trộn mật thời xưa,
tường thu hồi xây bằng gạch, được trát vữa tạo hình dáng ngũ hành (hình năm
ngọn núi), cao dần từ dưới lên trên đỉnh hồi. Hồi xây kiểu này vừa tạo vẻ đẹp trang
trí vừa có tác dụng che chắn mưa, gió bảo vệ cho mái ngói của đình. Phía trước
đình, tường hai hồi được xây kéo dài kiểu tay ngai và tạo hai trụ biểu bên ngoài
cùng. Trụ biểu xây to khỏe, vững chắc, đế trụ xây tạo dáng quả bồng, đầu trụ đắp
trang trí hình đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê ngồi chầu vào trong cửa đình, như soi
dọi nội tâm của khách hành hương vào nơi thánh ngự. Đỉnh bờ nóc đình đắp
trang trí đề tài truyền thống lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu bờ nóc đắp kìm,
miệng kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm uốn cong thành những vòng tròn, biểu tượng
mây tụ, ước vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong mưa thuận, gió hòa.
Bộ khung chịu lực tòa đại bái làm bằng gỗ lim, gồm 4 bộ vì, vì cấu trúc bốn
hàng chân cột, cột được kê trên chân tảng đá xanh. Bộ cột tứ trụ gian trung tâm
tòa đại bái có đường kính lớn hơn so với các cây cột đình khác. Chân tảng của bộ
cột tứ trụ tạo dáng bốn cấp, cấp dưới hình vuông, cấp giữa hình bát giác, 2 cấp
trên hình tròn. Cách tạo chân tảng mang ý nghĩa dịch học của triết lý phương
Đông: thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái,
sự chuyển động vô cùng tận trong vũ trụ. Các chân tảng khác cấp trên tròn, biểu
tượng cho trời, cấp dưới hình vuông, biểu tượng cho đất. Như vậy khung xương
đình được đặt trên thế trời, đất hội hợp, hài hòa tất sẽ bền vững, trường tồn.
Tòa đại bái trừ gian trung tâm thông với hai gian ống muống còn nền các
gian hai bên được xây cao theo kiểu ván sàn của đình thời xưa, để các vị quan viên
trong làng an tọa khi hội họp công việc của làng. Hai gian ống muống cùng gian
trung tâm, nền được lát gạch bằng gạch vồ thời Hậu Lê, những dấu vết còn lại của
ngôi đình xây từ thời kỳ trước đây. Bốn bộ vì tòa đại bái được làm tương tự nhau
theo từng cặp và đăng đối với nhau qua gian trung tâm. Bộ vì gian trung tâm được
kết cấu hạ cốn, thượng thuận chồng. Đầu dư đỡ dưới, các câu đầu tạo tác hình
DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG 130