Page 261 - Di san van hoa An Duong
P. 261
Hai bộ vì gian bên cấu tạo vì bốn hàng chân cột, vì nóc kiểu cốn bưng, trên cốn
chạm nổi đề tài hoa lá thiêng, vì nách thuận chồng ba con, trên thuận chạm nổi
lá guột, các đấu kê chạm nổi hoa văn, hoa sen cách điệu. Trên má các bẩy hiên
kết hợp với ván lá dong được tạo tác thành mảng chạm nổi, chạm bong kênh đề
tài long, vân tinh xảo, mềm mại.
Tòa hậu cung kết cấu một bộ vì, vì bốn hàng chân cột, cấu trúc vì thuận
chồng ba con, thuận được kê trên đấu vuông thắt đáy, thân đấu chạm nổi hoa
sen cách điệu. Ngôi đình Nam tuy không to lớn, nhưng trên cấu kiện kiến trúc
được thể hiện nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật đẹp với đề tài phong
phú, sinh động.
Trải trên trăm năm, qua nhiều cuộc binh lửa chiến tranh, nhưng đình Nam
vẫn bảo tồn được một số di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật, tiêu biểu như:
- Khám thờ và thần tượng: Thần tượng trong khám được đặt trang trọng tại
cung cấm của đình. Khám làm bằng gỗ quý được trang trí điêu khắc đẹp. Trước
cửa khám chạm trang trí theo kiểu cửa võng với đề tài hoa dây uốn lượn chầu về
mặt nguyệt. Bức chắn trương trên đầu cửa võng chạm tinh xảo, đề tài lưỡng long
chầu nguyệt. Hai bên bạo đứng của cửa khám, tạo khung ô theo chiều cao, trong
khung ô chạm nổi câu đối sau:
Chữ Hán: 文武高才億年威勇扶南境
聖神顯化千古靈聲振北庭
Phiên âm: Văn, vũ cao tài ức niên uy dũng phù Nam cảnh
Thánh, thần hiển hóa thiên cổ linh thanh chấn Bắc đình
Dịch nghĩa: Văn, vũ tài cao, còn mãi dũng uy giúp nước Việt
Thánh, thần biến hóa, linh thiêng chấn động mãi Bắc phương
- Thần tượng Phạm Tử nghi ngồi trong long ngai và đặt trong khám, thần
tượng làm bằng gỗ quý. Thần tượng đội mũ cánh chuồn, mặc phẩm phục, có cân
đai, chân đi hia, trên phẩm phục thêu rồng, phượng, vân tản. Thần tượng mặt
vuông chữ điền, tai dài, mắt nhìn thẳng, chân buông thẳng, hai tay để tự nhiên trên
gối. Thần tượng trong thế phụng triều, thần thái thể hiện sự cương nghị, uy nghiêm.
Qua nét hoa văn tạo tác trên khám và thần tượng có thể xác định khám, thần
tượng được tạo tác cuối thế kỷ XIX
261 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG