Page 295 - Di san van hoa An Duong
P. 295
các tài liệu về các vị đỗ Tiến sĩ huyện An Dương và điền dã tại địa phương được
biết, Ngài Trần Trung Lập quê ở Nam Định, ông đỗ Tiến sĩ thời Hậu Lê, nhưng
chưa rõ khoa nào. Sau khi về trí sĩ ông về xóm Chương (Địch Lương) của xã
Khinh Dao mở trường dạy học, giáo hóa cho dân, để lại nhiều ân huệ cho người
dân nơi đây. Chính vì vậy người dân địa phương đã coi ông như người quê
hương và sau khi ông mất đã dựng miếu thờ ông. Miếu thờ ông có từ rất lâu đời,
qua nhiều lần tu sửa hiện nay vẫn được phụng thờ uy nghiêm. Trong văn bia
“Địch văn hội phủ vị” (廸文會祔位), dựng niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) hiện
bảo tồn tại miếu, ghi chép việc công đức ruộng, tiền, đất đai của người dân thôn
Địch Lương, xã Khinh Dao để phụng thờ Ngài Trần Trung Lập tại miếu. Tuy
nhiên, trong miếu thờ Ngài Trung Lập, người dân địa phương còn thờ con gái
của ông là bà Trần Thị Thục. Như vậy việc thờ tự trên cần tiếp tục tìm hiểu,
nghiên cứu để giải thích được thỏa đáng.
Ngài Phạm Đình Trọng đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1739,
hàm Thái tử Thái bảo, tước Hải Quận Công, là Thành hoàng làng Khinh Dao. Như
vậy Khinh Dao là địa phương có nhiều quan Nghè nhất trong các làng xã của
huyện An Dương và chiếm số lượng gần một phần ba tổng số ông Nghè của
huyện. Làng Khinh Dao xa xưa có nghề làm bánh đa, bánh đa của làng rất nổi
tiếng, sản phẩm được bán rộng rãi khắp mọi nơi. Làng Khinh Dao có xóm trại, sau
này được cắt về địa phận xã Tân Tiến, cùng huyện. Xóm trại khi chuyển về Tân
Tiến sau phát triển thành một thôn Khinh Dao, dân thôn Khinh Dao vẫn theo
nghề làm bánh đa của tổ tiên và ngày nay đã được tôn vinh trở thành làng nghề
truyền thống sản xuất bánh đa.
Đền Phạm Thượng Quận thờ Ngài thần chủ và cũng là Thành hoàng Phạm
Đình Trọng. Ông là một danh thần nổi tiếng văn, võ toàn tài được nhiều sách sử
ghi chép. Như sách “Nhân vật chí” của Phan Huy Chú thời Hậu Lê ghi ông vào
mục “Người phò tá có công lao tài đức”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đầu
triều Nguyễn viết về tỉnh Hải Dương, mục “Nhân vật” ghi tên ông; mục “Đền
miếu” ghi “Đền Thượng thư họ Phạm”, chính là ngôi đền Phạm Thượng Quận;
Sách “Hải Dương phong vật chí” soạn năm 1811 của Trần Đạm Trai, mục “Văn
thần” chép tên ông; Sách “Hải Đông chí lược” soạn thời Nguyễn trong mục “Liệt
truyện tướng văn, tướng võ” ghi chép về ông... Thân thế sự nghiệp của ông được
tóm lược như sau:
295 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG