Page 41 - Di san van hoa An Duong
P. 41
hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), phủ Kiến Thụy kiêm nhiếp tri huyện, nên bỏ huyện
lỵ tại đây.
Theo các bậc cao niên trong làng, Tri Yếu trước đây còn có tên là làng
Quần Anh, tên cổ xưa nữa là Gò Đông. Làng trước đây có 2 đình, đình Đông, tức
là đình Tri Yếu như nói ở trên, đình Đoài đã bị dỡ bỏ năm 1960, 2 miếu, miếu
Đông (miếu Kiến), miếu Đoài, đều bị dỡ bỏ năm 1955, miếu Kiến hiện mới được
xây dựng lại, 1 chùa, chùa có tên chữ là Diệu Quang. Đến dựng ấp, lập làng Tri
Yếu thuở ban đầu, theo truyền ngôn địa phương có 4 dòng họ: Đỗ, Nguyễn,
Trương và Trần. Họ Trương di cư từ Thanh Hóa đến. Do thời gian quá xa, qua
binh lửa chiến tranh, nên các dòng họ chỉ ghi chép được đến nay khoảng gần
20 đời và cũng không rõ về nơi phát tích. Tuy nhiên, một số dòng họ vẫn giữ
được mộ tổ và nhà từ đường bằng gỗ cổ. Khởi tổ của các dòng họ đến Tri Yếu
như đã nêu trên được dân làng tôn vinh là những bậc tiên hiền và được phối
thờ tại đình làng. Theo các vị cao niên làng Tri Yếu và dòng họ Trương, cho biết
họ Trương làng Tri Yếu có ông Nghè Trương Đình Máo. Ngài làm quan trong
triều đình, nhưng không rõ thi đỗ vào thời nào, làm quan giữ chức tước gì, ở
đâu. Dòng họ Trương hiện nay vẫn phụng thờ phần mộ của quan Nghè tại vị trí
gần ngôi đình làng và tổ chức ngày kỵ giỗ vào 8 tháng 2 âm lịch. Cũng theo dòng
họ Trương, tương truyền lại khi quan Nghè mất, chưa kịp an táng, mối đã xông
đắp thành mộ cho ông (Mộ thiên táng nên rất thiêng). Sau khi về điền dã
nghiên cứu tại dòng họ Trương và địa phương, chúng tôi thấy dòng họ Trương
lưu giữ được hai đạo sắc phong của vua Cảnh Hưng cho một vị quan. Vì sắc
phong bị rách mất một số chữ, nên việc dịch nội dung sắc rất khó khăn. Tuy
nhiên qua sắc, cho biết đây là hai đạo sắc của vua Cảnh Hưng (1740 - 1784) ban
phong cho một vị quan từ tước Nam lên tước Tử, từ chức huyện Thừa lên chức
Đồng Tri phủ. Trong sắc không nêu rõ tên, học vị, do vậy chưa khẳng định được
có phải của ông Trương Đình Máo và là ông Nghè hay không. Như vậy, việc
dòng họ Trương và dân làng Tri Yếu truyền ngôn có ông Nghè Trương Đình
Máo cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ.
Gần khu đình Tri Yếu, cách khoảng 100m, có từ đường họ Trần Hữu. Người
trong dòng họ truyền tụng cho rằng Ngài Trần Lân, thân phụ của Chàng Rồng là
vị thủy tổ của dòng họ Trần Hữu nơi đây. Trong khuôn viên từ đường họ Trần
Hữu có cây thị cổ thụ với tuổi đời khoảng 800 năm. Cây đã được vinh danh là “Cây
di sản Việt Nam”.
41 DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU HUYỆN AN DƯƠNG