Page 170 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 170
170 Ñòa chí Quaûng Yeân
Thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ về xây dựng “Quỹ độc lập” và tổ chức “Tuần lễ
vàng”, nhân dân Yên Hưng phấn khởi tham gia ủng hộ, đóng góp của cải, sức lực. Ở làng
Yên Trì có cụ Nụ dù tuổi cao nhưng vẫn tới trụ sở ban vận động để ủng hộ đôi hoa tai vàng.
Trong khi đó, Việt Quốc, Việt Cách dựa thế quân Tưởng để gây hấn, xuyên tạc đường
lối cách mạng của Đảng ta. Đối với các hành động phá hoại của thế lực thù địch, ta kiên
quyết đấu tranh, đồng thời tuyên truyền chính sách của Đảng để đập tan luận điệu
xuyên tạc của chúng. Sau khoảng 6 tháng không có bước tiến trong việc khống chế và
giành được quyền kiểm soát khu vực miền Bắc Việt Nam, ngày 28/02/1946, quân Tưởng
đồng ý cho quân Pháp tiến ra miền Bắc thay thế chúng giải giáp quân đội Nhật.
Ngày 06/3/1946, Chính phủ ta ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ
bộ, mở ra một cơ hội cho việc củng cố chính quyền và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp. Thi hành Chỉ thị “Hòa để tiến”, các chi bộ đảng ở thị xã
Quảng Yên và Yên Hưng mở đợt tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và quần
chúng nhân dân để uốn nắn tư tưởng lệch lạc, đồng thời làm rõ ý nghĩa thắng lợi của
việc ký Hiệp định Sơ bộ.
Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Công việc khẩn cấp bây giờ” để động
viên toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị kháng chiến. Các chi bộ đảng, nhân dân thị
xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng đã quán triệt sâu sắc tư tưởng trên, với niềm tin
vững vàng vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẩn trương thực hiện các công việc hậu
cần, chuẩn bị lực lượng, chế tạo vũ khí, thành lập các ban kháng chiến nhằm phục vụ
tốt nhất cho cuộc chiến.
II. Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (12/1946 - 1955)
1. Đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống địch lấn chiếm, bình định (12/1946 - 1951)
Cuối tháng 11/1946, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Đầu tháng
12/1946, thực dân Pháp liên tiếp gây hấn ở Hà Nội, gây ra vụ thảm sát ở phố Yên Ninh
và Hàng Bún, chiếm trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Giao thông công chính, đưa tối hậu thư
buộc lực lượng tự vệ của ta phải rời khỏi Hà Nội... Mọi khả năng hòa hoãn đã không còn.
Trước tình thế khẩn cấp, tối ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến”, hiệu triệu toàn dân cầm vũ khí đứng lên bảo vệ nền độc lập dân
tộc. Ngày 20/12/1946, quân Pháp nổ súng tấn công Hòn Gai, Hải Phòng, tàu chiến, tàu
đổ bộ của địch ồ ạt kéo vào cửa Nam Triệu, liên tục nã pháo vào đất liền, uy hiếp thị xã
Quảng Yên. Để khống chế toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp âm mưu đánh
chiếm khu vực Hà Nội - Lạng Sơn - Hòn Gai - Móng Cái, thị xã Quảng Yên và huyện
Yên Hưng nằm ở vị trí huyết mạch giữa Hòn Gai và Hải Phòng, vị trí quan trọng trên
đường 18 nối Hòn Gai với Quốc lộ 1. Pháp muốn chiếm khu vực này để khống chế đường
biển Hải Phòng đi Hòn Gai, Móng Cái, kiểm soát tuyến đường biên giới lên Việt Bắc.
Trước mắt, quân và dân Quảng Yên chủ trương lập tuyến phòng ngự chặn giặc từng
bước, sau đó thực hiện tiêu thổ kháng chiến, rút về các cứ địa ở Hoàng Lỗ, Yên Cư, đảo
Hà Nam, Cát Hải... để bảo toàn lực lượng. Trong 2 tháng đầu năm 1947, Pháp cho mở
một số trận đánh ở Yên Lập để thăm dò lực lượng của ta nhưng bị ta phản công tiêu diệt.
Ngày 28/02/1947, Pháp tiến đánh thị xã Quảng Yên và đến tối thì chiếm được thị xã,
nhưng các cơ quan, chính quyền và đơn vị vũ trang của ta đã rút về căn cứ tại Nam Mẫu.