Page 166 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 166
166 Ñòa chí Quaûng Yeân
Tháng 9/1940, phát xít Nhật tiến vào Lạng Sơn. Ngày 22/12/1940, chúng chiếm được
toàn quyền quản lý Đông Dương. Phát xít Nhật xuất hiện như thêm tròng đeo vào cổ
nhân dân ta. Trước tình hình trên, tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương
Đảng họp ở Pác Bó (Cao Bằng), do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì chủ trương nhiệm
vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân là gấp rút chuẩn bị thực hiện cuộc vận động vũ
trang khởi nghĩa. Hội nghị xúc tiến thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là
Mặt trận Việt Minh) để đoàn kết toàn dân tộc đánh đuổi Nhật - Pháp.
Nghị quyết của Trung ương Đảng được phổ biến nhanh chóng đến các cơ sở. Cán bộ,
đảng viên của Đảng mang tinh thần của Nghị quyết Trung ương đến với quần chúng,
biến tinh thần ấy thành lực lượng vật chất to lớn của cách mạng.
Ở Quảng Yên, năm 1942, phong trào Việt Minh bắt đầu phát triển. Đồng chí Đoàn
Quang Thìn sau khi bị bắt ở Huế và chuyển về quản thúc ở Yên Hưng đã liên lạc với Xứ
ủy Bắc Kỳ nhận chỉ thị từ cấp trên, gây dựng một số cơ sở Việt Minh ở thị xã Quảng Yên
và huyện Yên Hưng. Đầu năm 1943, các đoàn thể ở thị xã Quảng Yên và một số xã của
Yên Hưng được thành lập dưới hình thức Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, Hội thể thao,
văn nghệ, buôn bán...
Ở tổng Rãng Động, một số đảng viên vừa ra tù đã về đây hoạt động, mang theo
chương trình Việt Minh và những kinh nghiệm, phương thức đấu tranh mới phù hợp
yêu cầu chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 8/1944, Chi
bộ Rãng Động được phục hồi mở rộng hoạt động sang các xã lân cận và tổng Hà Nam.
Các đoàn thể hoạt động tích cực, quần chúng công khai ủng hộ Việt Minh, tổ chức quyên
góp, mít tinh, chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền.
Sự phát triển của phong trào Việt Minh ở thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng cuối
năm 1944 đầu năm 1945 đã đạt đến đỉnh cao.
Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc quyền thống trị Đông Dương.
Lúc này, chính quyền Nhật chưa ổn định, còn bọn tay sai của Pháp hoang mang, rệu
rã, trong khi đó tinh thần cách mạng của quần chúng đang dâng cao. Đây là điều kiện
thuận lợi để phát triển lực lượng cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng từ ngày 09 đến ngày 12/3/1945,
sau khi phân tích tình hình đã ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động
của chúng ta”. Sự chỉ đạo đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng tạo ra một cao trào
chống phát xít Nhật với hình thái khởi nghĩa từng phần, sôi nổi diễn ra trong cả nước.
Tỉnh Quảng Yên thuộc vùng Đông Bắc, gần biên giới Việt - Trung, do đó cuộc đảo
chính Pháp của phát xít Nhật gây ra diễn biến phức tạp. Phát xít Nhật chiếm đóng
những nơi trọng yếu như Núi Đèo, thị xã Quảng Yên, Yên Lập, Bãi Cháy... để củng cố
quyền lực, phát triển bộ máy thống trị của chúng, tiến hành đàn áp phong trào cách
mạng của nhân dân. Cùng lúc đó, hàng nghìn quân phỉ từ biên giới tràn xuống cướp phá.
Từ tháng 3/1945, Ban lãnh đạo Việt Minh ở Quảng Yên đã đề ra chủ trương xây dựng
lực lượng vũ trang. Các tổ du kích được thành lập đã tiến hành nhiều trận đánh nhỏ lẻ
cướp vũ khí, đạn dược của địch để trang bị cho quân ta, giành lại tiền thuế, lương thực
cho nhân dân. Đồng thời, ta tiến hành gây dựng cơ sở của Việt Minh trong hàng ngũ địch.