Page 171 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 171
Phaàn II: Lòch söû vaø truyeàn thoáng 171
Để thống nhất chỉ đạo kháng chiến ở khu vực Quảng Yên, Hòn Gai, tháng 3/1947,
tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành liên tỉnh Quảng Hồng. Ngày 05 -
06/5/1947, Liên tỉnh ủy Quảng Hồng họp phiên đầu tiên, cho ý kiến về tình hình quần
chúng và cơ sở kháng chiến vùng tạm chiếm khu Hà Bắc. Nhân dân ta ở khu tạm chiếm
vẫn liên lạc với Mặt trận Việt Minh, các hoạt động của các đoàn thể vẫn được thực hiện
như viết bản tin, viết báo, rải truyền đơn...
Chủ trương của Liên tỉnh ủy là khẩn trương đưa cán bộ, đảng viên về các vùng địch
tạm chiếm để bám đất, bám dân, phát động đấu tranh du kích, thực hiện kháng chiến
toàn dân, toàn diện. Liên tỉnh ủy quyết định cử các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Đỗ Thị
Sinh (bí danh Minh Hà), Lê Thị Bích về huyện Yên Hưng hoạt động, xây dựng cơ sở cách
mạng, đẩy mạnh kháng chiến. Sau một thời gian ngắn, các đoàn thể cứu quốc được khôi
phục. Đồng chí Đỗ Thị Sinh (bí danh Minh Hà) đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng
các tổ chức đoàn thể, các cơ sở kháng chiến, tinh thần không ngại gian khó, bất khuất
của đồng chí khi bị địch bắt và tra tấn là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên noi theo.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Liên tỉnh ủy Quảng Hồng chú trọng kiện toàn tổ chức
đảng và chính quyền các cấp. Cuối tháng 7/1947, vùng Hà Nam và Cát Hải được cắt về
Liên khu III, Uông Bí và Yên Hưng sáp nhập thành huyện Hưng Uông, Đảng bộ huyện
Hưng Uông được thành lập. Sau khi thành lập, Đảng bộ huyện Hưng Uông tổ chức Đại
hội toàn thể ở Khe Sú (phía trong Nam Mẫu) với sự tham dự của 20 đảng viên. Đại hội
đã kiểm điểm các mặt công tác, rút kinh nghiệm việc phá tề trừ gian và quyết định đẩy
mạnh việc đưa cán bộ về bám dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Yên Hưng đã từng bước làm thất bại âm
mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, góp phần vào sự thắng lợi của
Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.
Sau thất bại của cuộc tấn công lên Việt Bắc (10/1947), thực dân Pháp dồn quân với
âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, ráo riết
lập tề và củng cố tuyến phòng thủ. Sau khi chiếm đóng khu vực Quảng Yên, tháng
10/1947, quân Pháp đã lập được bộ máy hội tề (tuy có nơi chỉ là hình thức) ở thị xã, các
vùng Hà Nam, Hà Bắc và nhiều xã thuộc Rãng Động, Uông Bí.
Tháng 10/1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ liên tỉnh Quảng Hồng lần thứ nhất được tổ
chức. Đại hội đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, khẳng định quyết
tâm đánh bại các cuộc bình định của quân Pháp; đồng thời chủ trương tiếp tục đưa
cán bộ, đảng viên về vùng địch hậu, vùng tạm chiếm để xây dựng các cơ sở cách mạng,
huyện Hưng Uông là huyện trọng điểm thực hiện chủ trương này.
Đảng bộ phát động phong trào bám đất, bám dân, phá bộ máy tề ngụy của địch, lực
lượng vũ trang tập trung đánh trả các đợt càn của Pháp. Huyện ủy Hưng Uông cũng
chuyển cơ quan về Khe Nữ (phường Đông Mai) để lãnh đạo kháng chiến.
Để phục vụ kháng chiến, các hoạt động tăng gia sản xuất, tiết kiệm lương thực ủng
hộ kháng chiến được đẩy mạnh. Huyện huy động hàng nghìn thanh niên tòng quân, gần
230 nghìn người đi dân công, ủng hộ kháng chiến 10 nghìn tấn thóc, mua 25 triệu công
phiếu kháng chiến.
Tháng 8/1948, thực hiện quyết định của cấp trên huyện Hưng Uông tách thành
huyện Yên Hưng và Uông Bí.