Page 165 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 165
Phaàn II: Lòch söû vaø truyeàn thoáng 165
Công nhân và nhân dân lao động ở Quảng Yên được giác ngộ tư tưởng cách mạng nên
nhiệt tình tham gia các phong trào đấu tranh một cách công khai. Điều này làm cho thực
dân Pháp lo sợ, trong giai đoạn 1932 - 1935, chúng tiến hành “khủng bố trắng” nhằm
phá vỡ các cơ sở đảng, lùng bắt cán bộ, gây thiệt hại cho phong trào đấu tranh của ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) vào
tháng 3/1935 đánh dấu sự khôi phục và phát triển tổ chức đảng sau sự khủng bố của
Pháp. Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong công tác vận động công
nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, thống nhất trong một phong trào đấu tranh cách
mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong năm 1936, công nhân và nhân dân lao động ở nhiều nơi nổi dậy đấu tranh đòi
quyền lợi kinh tế. Tháng 11/1936 diễn ra cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn công nhân
mỏ than từ Mông Dương, Cửa Ông, Cẩm Phả, Hòn Gai đến Đồng Đăng... Anh em công
nhân vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của nhân dân lao động đã anh
dũng đấu tranh, bình tĩnh, mưu trí trước sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai. Cuối
cùng, cuộc đấu tranh của công nhân đã giành được thắng lợi và tạo được tiếng vang lớn.
Đầu năm 1937, Chi bộ Đảng Uông Bí - Vàng Danh được phục hồi, lãnh đạo phong
trào đấu tranh của công nhân mỏ khu vực này. Đến đầu năm 1939, Khu ủy B đã lập Chi
nhánh báo Đời nay ở Uông Bí để tuyên truyền, phổ biến sách báo công khai của Đảng,
hướng dẫn quần chúng đấu tranh.
Phong trào đấu tranh của công nhân mỏ và cả nước đã tác động mạnh mẽ đến nhân
dân thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng. Cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng thoát ra
từ các nhà tù, những chiến sĩ chuyển từ vùng khác về Quảng Yên hoạt động đã liên lạc
với tổ chức, gây dựng cơ sở đảng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tiêu biểu có đồng chí
Nguyễn Văn Luận (tức Trần Danh Tuyên). Đội ngũ quần chúng tích cực không ngừng
phát triển, qua đấu tranh, một số quần chúng được kết nạp vào Đảng. Đó là những hạt
giống đỏ đầu tiên của cách mạng trên mảnh đất Quảng Yên.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra năm 1939. Đến tháng 6/1940, phát xít Đức chiếm
được Pháp và lập nên chính quyền thân phát xít. Tại Đông Dương, chính quyền Pháp
cho thi hành chính sách kinh tế thời chiến, hủy bỏ tất cả các quyết định của chính quyền
tiến bộ trước đó. Về kinh tế, chúng tăng thuế, trưng dụng các doanh nghiệp cho quốc
phòng, tăng lợi cho chúng và các tầng lớp tay sai.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng
11/1939 xác định mục tiêu chiến lược trước mắt là đánh đổ đế quốc và tay sai, thành lập
Chính phủ cộng hòa dân chủ; nêu một số chuyển hướng về tổ chức, xây dựng lực lượng
và đấu tranh, chuẩn bị điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Thực hiện chủ trương của Đảng, phong trào cách mạng của công nhân và nhân dân
lao động thị xã Quảng Yên và huyện Yên Hưng có sự phát triển hơn, mục tiêu đấu tranh
cũng được thể hiện rõ ràng hơn. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Yên
(thành lập đầu năm 1940), tháng 3/1940 Chi bộ Đảng Nhà máy Kẽm Quảng Yên và
tháng 4/1940 Chi bộ Rãng Động được thành lập trực tiếp lãnh đạo các phong trào thu
hút công nhân, nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, chống chính quyền
thực dân và tay sai.