Page 160 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 160
160 Ñòa chí Quaûng Yeân
lệnh cho Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân tiến vào nước ta, với danh nghĩa giúp Nhà Lê
đánh quân Tây Sơn giành lại chính quyền. Được tin cấp báo, tháng 12/1788, Nguyễn
Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, thống lãnh đại quân
tiến ra Bắc đại phá quân Thanh. Với sức mạnh và ý chí quật cường của dân tộc, chỉ
trong một thời gian ngắn, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh
tan 29 vạn quân Thanh, bảo vệ nền độc lập dân tộc, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước,
bước đầu đặt nền móng cho sự thống nhất nước nhà.
Nhà Tây Sơn trải qua hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh, nhưng hầu hết các
chính sách xây dựng đất nước đều do vua Quang Trung vạch ra và bước đầu thực hiện,
đáng tiếc vì thời gian cầm quyền quá ngắn nên hiệu quả chưa rõ rệt.
Sau khi lên ngôi, vua Quang Trung chọn Phú Xuân làm kinh đô và tiến hành xây dựng
một hệ thống hành chính quan chế mới, quyết định đổi tên Thăng Long thành Bắc Thành
và chỉnh đốn lại các khu vực hành chính thống nhất chặt chẽ. Địa giới hành chính Bắc
Thành gồm 13 trấn. Huyện Yên Hưng lúc này vẫn thuộc phủ Hải Đông, trấn Yên Quảng.
Dưới Triều Tây Sơn, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Yên Hưng tiếp tục
có bước phát triển. Về kinh tế, nhân dân tiếp tục đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích
đất canh tác. Hệ thống giao thông, thủy lợi được mở mang. Sau ba năm khai hoang, phục
hóa, nông dân mới phải nộp thuế cho Nhà nước, có thể nộp bằng tiền hoặc hiện vật, có loại
thấp hơn thời Lê - Trịnh đến hai, ba phần. Bên cạnh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,
thương nghiệp cũng được mở mang, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Đời sống
văn hóa, nghệ thuật có bước phát triển. Các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của
quê hương được duy trì. Một số loại hình văn nghệ dân gian như hát đúm, hát chèo... đã
trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân trong dịp lễ hội, tết, cưới hỏi...
VI. Quảng Yên từ thời Nguyễn đến trước khi thực dân Pháp xâm lược
(1802 - 1858)
Năm 1788, lợi dụng sự bất hòa của anh em Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã bí mật đưa lực
lượng trở lại Gia Định với mục đích giành lại địa vị thống trị. Năm 1792, vua Quang
Trung qua đời, vua Quảng Toản lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, không đủ sức gánh vác trọng
trách được giao phó, nội bộ triều đình dần suy yếu và rơi vào khủng hoảng. Lợi dụng
tình hình đó, Nguyễn Ánh đem quân đánh bại Nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh
lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại quân chủ mới - Triều Nguyễn.
Sau khi thành lập, Nhà Nguyễn đã tiến hành thống kê địa giới hành chính trong cả
nước. Theo đó, tại thời điểm này, cả nước có tất cả 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện, 40 châu,
trong đó trấn Yên Quảng có 1 phủ là Hải Đông, 3 huyện là Hoành Bồ, Yên Hưng, Hoa
Phong và 3 châu là Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn. Năm 1802, trấn lỵ Yên Quảng được
(1)
dời từ xã Vu Thanh, huyện Kim Thanh, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương đến gò núi Tiên
Sơn, xã Quỳnh Lâu, huyện Yên Hưng (nay thuộc phường Quảng Yên, thị xã Quảng
Yên). Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), trấn Yên Quảng được đổi tên thành trấn Quảng
Yên. Lúc đầu, trấn lỵ trấn Quảng Yên chưa có thành trì. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826),
Nhà Nguyễn cho xây một tòa thành bằng đất trên một quả đồi thấp ở trung tâm trấn.
(1) Dưới thời Tây Sơn, phủ Kinh Môn được chuyển từ trấn Hải Dương sang lệ vào trấn Yên Quảng.
Trấn lỵ Yên Quảng được chuyển về xã Vu Thanh, huyện Kim Thanh, phủ Kinh Môn. Năm 1802, phủ
Kinh Môn được trả lại trấn Hải Dương.