Page 155 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 155
Phaàn II: Lòch söû vaø truyeàn thoáng 155
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử chống
giặc ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống quân Nguyên
xâm lược lần thứ ba, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền của quốc
gia Đại Việt.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288 có sự đóng góp không nhỏ công sức của
nhân dân Quảng Yên trong việc tham gia vận chuyển lương thực, nuôi dưỡng binh lính,
chặt gỗ, chôn cọc trên sông, xây dựng trận địa mai phục, phối hợp cùng quân đội mai
phục, chặn đánh địch ở những nơi hiểm yếu... Một trong những đóng góp tiêu biểu của
nhân dân Quảng Yên được truyền lại là: Năm 1288, khi tới bến đò Rừng (nay thuộc
phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên) để nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu
diệt quân xâm lược Nguyên, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã được một bà bán hàng
nước kể tỉ mỉ, chính xác về quy luật lên xuống của thủy triều, địa thế lòng sông, giúp
ông bố trí trận địa cọc tiêu diệt địch. Sau khi thắng trận, Hưng Đạo vương trở lại bến
đò tìm bà để tạ ơn nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi bà ngồi. Cảm
kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Hưng Đạo vương đã tâu với Vua Trần phong bà
làm “Vua Bà” và cho lập miếu thờ tại nơi bà bán hàng. Năm 1994, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp về tham quan miếu Vua Bà có nói: “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng
có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để
làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”.
Trải qua 175 năm trị vì, Nhà Trần đã đưa Đại Việt phát triển rực rỡ trên các lĩnh vực
kinh tế, văn hóa - xã hội, lập nhiều chiến công hiển hách. Dưới thời Trần, vùng đất Yên Hưng
đã khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Quảng Yên dưới thời Nhà Hồ và thời thuộc Minh (1400 - 1427)
Từ nửa cuối thế kỷ XIV, Nhà Trần rơi vào tình trạng khủng hoảng trên các lĩnh vực:
chính trị, kinh tế - xã hội. Tình hình triều chính nhiều rối ren, các cuộc khởi nghĩa nông
dân diễn ra nhiều nơi, trong khi nguy cơ ngoại xâm đang đến gần. Yêu cầu đặt ra lúc
bấy giờ là phải có một Nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, đủ khả năng lãnh
đạo đất nước tiến hành cải cách và đánh thắng ngoại xâm. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Quý
Ly, một quý tộc có thanh thế trong triều đình đã từng bước thâu tóm quyền lực. Năm
1400, Hồ Quý Ly ép vua Thiếu Đế nhường ngôi, tự lập làm vua, lấy niên hiệu là Thánh
Nguyên, đặt quốc hiệu Đại Ngu, lập nên Triều Hồ. Vùng đất Quảng Yên thời Nhà Hồ
thuộc lộ phủ Tân An.
Trước và sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã thi hành nhiều biện pháp cải cách nhưng
không hiệu quả, đất nước ngày càng rối loạn. Tháng 11/1406, lấy danh nghĩa “phù Trần
diệt Hồ”, Nhà Minh kéo quân sang xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, Nhà Hồ đã
ra sức xây dựng quân đội, đắp thành lũy để tiến hành cuộc kháng chiến chống lại quân
Minh xâm lược. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Nhà Hồ diễn ra không được bao
lâu thì thất bại, từ đây, nước ta rơi vào ách đô hộ của Nhà Minh.
Chiếm được nước ta, Nhà Minh bắt đầu thiết lập chính quyền thống trị trên cả nước.
Chúng xóa bỏ tên nước Đại Việt, đặt nước ta thành quận Giao Chỉ thuộc Trung Quốc.
Dưới quận là các phủ, châu, huyện. Vùng đất Quảng Yên thời kỳ này thuộc phủ Tân An.