Page 156 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 156
156 Ñòa chí Quaûng Yeân
Ngay sau khi chiếm đóng Đại Việt, quân Minh đã tiến hành cướp bóc của cải, tài sản
đem về nước. Chúng bắt phụ nữ, trẻ em phục vụ quan lại Nhà Minh hoặc sung làm nô
tì. Nhà Minh áp dụng chính sách sưu cao, thuế nặng và đặt ra nhiều quy định vô lý.
Ngoài ra, chúng còn bắt nhân dân ta cống nạp các sản vật quý hiếm như ngà voi, sừng tê
giác, ngọc trai, vàng bạc... Đồng thời, âm mưu thủ tiêu nền văn hóa lâu đời của nước ta.
Theo lệnh của Vua Minh “một mảnh giấy, một nửa chữ cũng không được để lại”, nhiều
tác phẩm, di vật quý giá bị tiêu hủy.
Để đồng hóa người Việt, chính quyền đô hộ còn bắt người dân từ bỏ những phong tục,
tập quán bản địa để tuân theo những phong tục, tập quán của Nhà Minh, cấm nhuộm
răng, để tóc chỏm đào, mặc váy, phải tết tóc dài, mặc quần dài như người Hán. Chính
quyền đô hộ còn mở trường học dạy chữ Hán để đào tạo tay sai.
Suốt 20 năm dưới ách đô hộ của Nhà Minh, đất nước ta phải chịu những hậu quả
nặng nề, kinh tế bị đình trệ, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Quảng Yên nằm trong
địa giới của quận Giao Chỉ thời kỳ này cũng chịu chung tình cảnh đó.
III. Quảng Yên thời Lê sơ (1428 - 1527)
Dưới ách áp bức, bóc lột của Nhà Minh, nhân dân ta ở nhiều vùng miền trên cả nước đã
đứng lên khởi nghĩa, tiêu biểu là khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn bắt đầu từ ngày 07/02/1418 và kết thúc thắng lợi ngày 10/12/1427. Suốt 10 năm
nằm gai nếm mật, chiến đấu gian khổ, dưới sự chỉ huy tài tình của Lê Lợi, khởi nghĩa Lam
Sơn đã thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt 20 năm đô hộ của Nhà Minh trên đất nước ta.
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (ngày 29/4/1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên
hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, mở ra triều đại Nhà Lê sơ. Trải qua
100 năm trị vì, Nhà Lê sơ đã tiến hành nhiều biện pháp khôi phục kinh tế, củng cố chính
quyền và ổn định đời sống xã hội.
Về mặt hành chính, năm 1428, Lê Thái Tổ chia cả nước làm 5 đạo: Nam Đạo, Bắc Đạo,
Đông Đạo, Tây Đạo, Hải Tây Đạo. Dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu. Vùng đất Quảng
Yên giai đoạn này thuộc trấn An Bang, Đông Đạo. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia
lại cả nước thành 12 thừa tuyên và phủ Trung Đô. Trong đó, vùng đất Quảng Yên ngày
nay là huyện An Hưng, phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang. Theo Ức Trai di tập dư địa
chí của Nguyễn Trãi thì huyện An (Yên) Hưng thời Lê có 25 xã, 1 thôn, 15 trang .
(1)
Từ sau ngày giải phóng, để khôi phục và phát triển kinh tế, vua Lê Thái Tổ đã xuống
chiếu kêu gọi dân phiêu tán trở về quê cũ làm ăn, đồng thời cho 25 vạn quân giải ngũ về
quê làm ruộng, khôi phục sản xuất. Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc mở rộng diện
tích đất canh tác. Theo gia phả và bia ký còn lại cho biết, năm 1434, vua Lê Thái Tông
mở rộng kinh thành Thăng Long nên cho phép nhân dân ở những vùng bị lấn được đi
khai hoang để lập làng xóm. Vì vậy, 17 vị ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên),
huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long đã theo thuyền dọc Sông
Hồng ra cửa sông Bạch Đằng cắm thuyền tìm đất. Lúc đầu họ sinh sống trên thuyền
bằng nghề đánh bắt cá, sau đó họ tìm thấy nơi này có nguồn nước ngọt nên quyết định
cùng nhau khai khẩn đất hoang, cải tạo thành ruộng lúa, lập nên phường Bồng Lưu,
sau đổi thành xã Phong Lưu, gồm 3 thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Cũng trong
(1) Xem Nguyễn Trãi: Ức Trai di tập dư địa chí, sđd, tr.43.