Page 154 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 154
154 Ñòa chí Quaûng Yeân
Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi lọt vào trận địa, giờ quyết chiến đã điểm. Trần Quốc
Tuấn cho phát hỏa hiệu lệnh chiến đấu. Một bộ phận quân, dân binh dưới quyền chỉ
huy của Trần Quốc Bảo đóng ở các áng núi, lạch sông, mai phục sẵn ở Tràng Kênh lao
ra quyết chiến, cung tên bắn ra như mưa khiến quân địch thương vong nhiều không
kể xiết. Phàn Tiếp trúng tên và bị quân ta bắt sống. Thủy quân Đại Việt từ các nhánh
sông Gia Đức, Sông Thải, Sông Giá, Sông Khoai nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng.
Quân Thánh Dực nghĩa dũng do Nguyễn Khoái chỉ huy với hàng trăm chiến thuyền
cùng quân các lộ căng tay chèo lao nhanh ra sông, dựa vào Ghềnh Cốc lập thành một
dãy chiến thuyền chặn đầu địch.
Bị tấn công tới tấp trên sông nhưng Ô Mã Nhi vẫn phải thúc thuyền tiến lên hướng về
các cửa Sông Chanh, Sông Kênh, Sông Rút tìm đường chạy trốn. Đến gần giữa trưa, khi
thủy triều rút nhanh, các trận địa cọc của ta đã lộ ra ngăn cản bước tiến của thuyền giặc.
Bị nước ào ào đẩy xuôi, lại bị đánh gấp sau lưng, thuyền giặc lớp trước, lớp sau bị dồn vào
trận cọc. Nhiều thuyền bị tắc nghẽn trước cửa Sông Chanh, Sông Kênh, Sông Rút, một số
bị va vào Ghềnh Cốc, một số bị đâm thủng, bị đắm, một số bị mắc cạn không tiến lên được.
Lúc này, các bè mảng bằng nứa chở đầy cỏ gianh khô (cỏ xăng) giấu sẵn ở hai bên bờ được
đốt cháy, nhất loạt thả xuôi theo dòng nước vào trận địa, tạo thành một trận hỏa công thiêu
cháy nhiều thuyền giặc. Trong lúc thủy chiến, hỏa công diễn ra dữ dội thì đoàn thuyền
chiến của Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông cũng vừa kịp thời
tiếp ứng “tung quân đánh lớn”khiến cho quân địch hoảng loạn và tổn thất nặng nề.
Bị đánh mạnh trên sông, một bộ phận địch hoảng hốt bỏ thuyền chạy lên bờ bên tả
ngạn Yên Hưng hòng tìm đường trốn thoát nhưng đã bị bộ binh của ta phục sẵn tiêu
diệt toàn bộ. Nhân dân vùng Hà Nam (Yên Hưng) vẫn còn truyền tụng rằng chính Trần
Quốc Tuấn đã chỉ huy bộ binh đánh trận. Một hình tượng còn được ghi lại trong ký ức
dân gian: “Vị lão tướng anh hùng ấy cưỡi con ngựa hồng to lớn đứng trên gò đất cao giữa
cánh đồng Trung Bản (Yên Hưng) cầm kiếm chỉ huy ba quân. Dưới quyền chỉ huy của
Người, quân ta xông lên dũng cảm và mãnh liệt bắt sống được tướng giặc là Phạm Nhan
và tiêu diệt gần hết bọn chúng, thây nằm ngổn ngang... Cho đến ngày nay, nhân dân các
xã vùng Hà Nam (Yên Hưng) còn lưu truyền câu ca dao nói về cuộc chiến đấu trên bộ:
Bạch Đằng giang là sông cửa ải
Tổng Hà Nam là bãi chiến trường” (1)
Đến chiều, trận đánh kết thúc. Đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi gồm 600 chiến
thuyền và 4 vạn quân đã bị đánh tan. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ và nhiều tướng
giặc bị bắt sống. Lần thứ ba trong lịch sử giữ nước, sông Bạch Đằng lại ghi thêm một
chiến công oanh liệt.
Tin đại thắng Bạch Đằng nhanh chóng lan truyền khắp nước, càng làm nức lòng
quân dân Đại Việt, là nguồn động viên mạnh mẽ đối với tất cả các quân sĩ miền biên giới
hăng hái xông lên tiêu diệt đạo quân của Thoát Hoan. Những chiến thắng to lớn ở cửa
quan Hãm Sa, cửa ải Nội Bàng, Nữ Nhi, Khâu Cấp (đều thuộc Bắc Giang và Lạng Sơn)
đã liên tiếp giáng cho quân giặc này những đòn nặng nề. Mấy chục vạn quân địch phải
rải xác trên đường rút chạy. Đến ngày 19/4/1288, Thoát Hoan giải tán đạo quân bại trận
ở trấn Tư Minh (Quảng Tây, Trung Quốc), kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt.
(1) Phan Đại Doãn: Đại thắng Bạch Đằng năm 1288, Quảng Ninh, 1976, tr.68.