Page 151 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 151

Phaàn II: Lòch söû vaø truyeàn thoáng    151



               (Hải Nam, Trung Quốc). Chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục đã đánh vào chỗ yếu có tính
               chất chiến lược của địch, làm phá sản từ đầu kế hoạch tiếp tế lương thực của chúng, tạo
               điều kiện cho quân ta nhanh chóng chuyển sang phản công chiến lược.
                  Sau khi hội quân thủy, bộ ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan cho xây dựng vùng đất này thành
               một căn cứ quân sự, sau đó để lại một lực lượng đóng giữ rồi đưa đại bộ phận lực lượng tiếp
               tục đánh vào kinh thành Thăng Long. Cũng như hai lần kháng chiến trước đây, Nhà Trần
               đã thực hiện kế “thanh dã”, làm vườn không nhà trống, tạm thời rút khỏi kinh thành. Từ
               Thăng Long, chủ tướng Thoát Hoan huy động mọi lực lượng quân thủy bộ dọc Sông Hồng
               ráo riết đuổi theo nhưng không sao bắt được tướng lĩnh của ta. Đi đến đâu chúng cũng
               gặp cảnh vườn không nhà trống, không cướp được gì và bị nhân dân địa phương chống
               trả quyết liệt. Nguyên sử chép: “Người Giao Chỉ đem hết thóc gạo cất giấu đi nơi khác” .
                                                                                                         (1)
                  Sau gần hai tháng chiếm đóng Thăng Long, mấy chục vạn quân Nguyên lâm vào tình
               trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Ngày 10/02/1288, Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi
               đem quân đi đón đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ (lúc này địch chưa biết đoàn
               thuyền của Trương Văn Hổ đã bị Trần Khánh Dư tiêu diệt) nhưng bị quân ta đón đánh
               ở cửa Đại Bàng (sông Văn Úc, Hải Phòng) và Tháp Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng). Không đón
               được thuyền lương của Trương Văn Hổ, lại bị quân ta phục kích, Ô Mã Nhi buộc phải
               theo sông Bạch Đằng rút về Vạn Kiếp. Trên đường trở về, Ô Mã Nhi cho quân đánh vào
               trại Yên Hưng vừa để cướp lương thảo nuôi quân, vừa triệt phá một cơ sở quân sự trọng
               yếu của Nhà Trần nhưng đã bị quân và dân ta chống trả quyết liệt.

                  Trước tình thế khó khăn, đầu tháng 3/1288, Thoát Hoan phải bỏ Thăng Long, rút
               quân về tăng cường phòng thủ cho Vạn Kiếp. Rồi từ Vạn Kiếp, lấy danh nghĩa “bảo toàn
               lực lượng”, Thoát Hoan quyết định chia làm hai đạo quân theo hai đường thủy, bộ rút
               về nước. Đạo quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy theo đường Lạng Sơn và quân thủy do Ô
               Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy rút về theo đường sông Bạch Đằng. Quân ta nhằm đạo thủy
               quân làm đối tượng tấn công chủ yếu và chọn vùng thượng lưu sông Bạch Đằng làm
               trận địa quyết chiến, thực hiện ý đồ chiến lược chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân
               thủy trên đường rút chạy.

                  Để đảm bảo cho kế hoạch bao vây địch thật hoàn chỉnh, ngoài việc dựa vào địa thế
               thiên nhiên hiểm yếu, Trần Quốc Tuấn còn xây dựng ở các cửa sông những trận địa cọc
               vững vàng với quy mô lớn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đó Vương, (chỉ Trần
               Hưng Đạo) đã đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên” . Chỉ trong một thời
                                                                                    (2)
               gian rất ngắn, sau trận càn quét của Ô Mã Nhi ở trại Yên Hưng, trận địa cọc mới bắt
               đầu được bố trí. Các loại gỗ lim, gỗ táu ở vùng rừng núi Yên Hưng đã được quân lính,
               dân binh đốn chặt, đẽo nhọn đầu cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển như Sông
               Chanh, Sông Rút, Sông Kênh làm thành những bãi cọc ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước
               (bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa). Ghềnh Cốc là một dải đá ngầm
               nằm bắt ngang qua sông Bạch Đằng, có thể sử dụng như một chiến lũy ngầm, phối hợp
               với các trận địa cọc ngầm ngăn chặn thuyền địch khi nước triều rút.


               (1)  Dẫn theo Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế
               kỷ XIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.258.
               (2)  Theo Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,
               1998, tr.61.
   146   147   148   149   150   151   152   153   154   155   156