Page 158 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 158

158    Ñòa chí Quaûng Yeân



               triển sản xuất... Nhờ đó, tình hình chính trị, xã hội tương đối ổn định, kinh tế có bước
               phát triển, đời sống nhân dân no ấm. Sách Đại Việt thông sử còn ghi lại “... đường sá
               không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” .
                                                                                                         (1)
               Tuy nhiên sự ổn định đó không kéo dài được lâu. Năm 1533, được sự giúp đỡ của vua Ai
               Lao, An Thành hầu Nguyễn Kim vốn là Thanh Hoa hữu vệ Điện tiền tướng quân dưới
               Triều Lê đã đưa con trai vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lên làm vua, lập lại Nhà Lê
               ở Ai Lao, tổ chức một triều đình gọi là Nam triều để chống lại Bắc triều của Nhà Mạc.
               Từ đây cuộc nội chiến Nam - Bắc triều chính thức bùng nổ kéo dài gần nửa thế kỷ. Đến
               năm 1592, quân Lê - Trịnh giành toàn thắng trong cuộc tấn công quyết định vào Thăng
               Long. Cục diện chiến tranh Nam - Bắc triều về cơ bản kết thúc.

                  Sau khi bị quân Nam triều đánh bại ở Thăng Long, con cháu Nhà Mạc là Mạc Kính
               Chỉ, Mạc Kính Chương, Mạc Kính Cung đã kéo nhau ra vùng An Quảng, xây dựng lực
               lượng chống lại nhà Trịnh. Trên đất Quảng Yên ngày nay còn nhiều dấu ấn của nhà
               Mạc như thành nhà Mạc, bãi nhà Mạc .
                                                        (2)
                  Dưới Triều Mạc, vùng đất An Hưng tiếp tục được khẩn hoang, mở rộng diện tích, lập
               nên các làng, xã mới như làng Quỳnh Biểu, xã Hoàng Hà (sau đổi thành Hoàng Lỗ)...
               Hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân trong giai đoạn này chủ yếu vẫn là sản xuất
               nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, khai thác lâm sản và làm một số nghề phụ như
               chài lưới, đan lát...

                  Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú và đa dạng, đặc biệt
               là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh Nho giáo được chính quyền Nhà Mạc duy trì
               như một bệ đỡ tư tưởng thì giai đoạn này đánh dấu sự phục hồi trở lại của Phật giáo. Ở
               vùng đất An Bang nói chung và An Hưng nói riêng, trong giai đoạn này Phật giáo phát
               triển khá mạnh. Tín đồ theo đạo Phật ngày càng đông, nhiều ngôi chùa được xây dựng,
               như chùa Cốc (nay thuộc phường Phong Hải), chùa Động Linh (nay thuộc phường Minh
               Thành), chùa Cẩm La (nay thuộc xã Cẩm La), chùa Lái (nay thuộc xã Liên Vị), chùa
               Lưu Khê (nay thuộc xã Liên Hòa), chùa Quỳnh Biểu (nay thuộc xã Liên Hòa)...

                  V. Quảng Yên thời Lê - Trịnh và Tây Sơn (1593 - 1802)
                  Sau khi chiến tranh Nam - Bắc triều chấm dứt, tháng 5/1593, Trịnh Tùng đưa Vua
               Lê về Thăng Long. Sự nghiệp trung hưng Triều Lê về cơ bản hoàn thành. Năm 1599,
               khi cơ bản dẹp được tàn dư của Nhà Mạc, Trịnh Tùng ép Vua Lê phong cho mình làm Đô
               Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An vương, hình thành vương phủ (phủ
               chúa) bên cạnh triều đình do Vua Lê đứng đầu. Từ đó hình thành chế độ “Vua Lê - chúa
               Trịnh” mà thực quyền nằm hết trong tay phủ chúa.
                  Hệ thống tổ chức hành chính thời Lê - Trịnh về cơ bản vẫn dựa vào tổ chức của triều Lê
               Thánh Tông. Đất nước được chia thành 12 trấn: Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc,
               Lạng Sơn, Hưng Hóa, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, An Quảng, Thanh Hóa và
               Nghệ An. Dưới các trấn là phủ, huyện (châu) và xã. Huyện An Hưng thời kỳ này vẫn nằm
               trong phủ Hải Đông, trấn An Quảng. Năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), dưới thời vua Lê Dụ
               Tông, chúa Trịnh Cương được phong tước An Đô vương nên các địa danh đều phải tránh chữ
               An đọc thành Yên, An Quảng được đọc thành Yên Quảng, An Hưng đọc thành Yên Hưng.

               (1)  Lê Quý Đôn toàn tập, tập III (Đại Việt thông sử), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.223.
               (2)  Xem Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Địa chí Quảng Ninh, tập 1, sđd, tr.490.
   153   154   155   156   157   158   159   160   161   162   163