Page 445 - Trinh bay Dia chi Quang Yen (Ver-2020 online)
P. 445
Phaàn IV: Kinh teá 445
Quảng Yên. Với cửa hàng mậu dịch quốc doanh, con số này chiếm tỷ lệ 31%, đại lý cung
tiêu chiếm 11% và 9% đối với các hợp tác xã mua bán.
Năm 1964, tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất khu Hồng Quảng
và tỉnh Hải Ninh. Tháng 7/1964, thị xã Quảng Yên được đổi thành thị trấn Quảng Yên
trực thuộc huyện Yên Hưng. Trong giai đoạn từ tháng 8/1964 - 1972, Yên Hưng là một
trong những trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, khiến các hoạt động sản xuất
và đời sống vô cùng khó khăn. Hàng hóa cạn kiệt, lưu thông bị đình trệ, nhiều cửa hàng,
kho tàng bị bom Mỹ phá hoại, hoạt động thương nghiệp gián đoạn. Trước muôn vàn khó
khăn trở ngại, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu và những cố gắng cao nhất, ngành thương
nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ phân phối, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện.
Trong những năm 1970 - 1975, trên cơ sở mở rộng quan hệ thị trường giữa Trung
ương và địa phương, giữa các địa phương trong phạm vi tỉnh, huyện Yên Hưng đã tiến
hành từng bước chuyển đổi từ lối làm ăn mang nặng tính chất hành chính cung cấp
sang phương thức kinh doanh, từng bước đưa ra bán tự do hầu hết các mặt hàng mà
trước đó phải dùng tem phiếu. Bước đầu thực hiện các chủ trương về việc phân phối
hàng tiêu dùng, thi hành chính sách 2 giá: giá cung cấp và giá cao. Giá cung cấp hay
còn gọi là giá trong kế hoạch áp dụng cho một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (hàng
định lượng) như: gạo, thịt, đường, xà phòng, vải, rau... Giá cao hay còn gọi là giá ngoài
kế hoạch của Nhà nước của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoặc những hàng
hóa phi mậu dịch được bán rộng rãi cho các đối tượng tiêu dùng.
Sau năm 1975, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi nhưng
hậu quả của những năm tháng chiến tranh ác liệt cộng với thiên tai, bão lụt liên tiếp
xảy ra đã gây ra nhiều khó khăn đối với công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã
hội của huyện Yên Hưng. Đất nước cùng lúc phải đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới
Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tình hình quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng
Ninh có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng, trong đó có tình trạng người Hoa bỏ đi
khiến đời sống kinh tế người dân có nhiều biến động. Bên cạnh đó, trình độ quản lý kinh
tế của các xí nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã mua bán còn yếu. Thị trường huyện
Yên Hưng và tỉnh Quảng Ninh nằm trong tình hình chung của thị trường cả nước, diễn
biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, giá cả tăng, lạm phát tăng theo. Thành phần
thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có phát triển nhưng vẫn không đủ khả năng điều tiết
lưu thông phân phối hàng hóa trên thị trường.
Trước bối cảnh đó, giữa năm 1979, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng (khóa IV) đã chỉ ra tính cấp bách và tầm quan trọng của phân phối và lưu thông.
Hội nghị cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng
và công nghiệp địa phương. Những tư tưởng của Hội nghị Trung ương 6 là điểm đột
phá không những về tư duy kinh tế mà cả về đường lối kinh tế, mở đầu cho một loạt
chính sách của Nhà nước liên tiếp sau đó. Cùng cả nước, Yên Hưng cùng tỉnh Quảng Ninh
đã tiến hành điều chỉnh về giá cả, tiền lương và tiền tệ vào các năm 1981 và 1985, với
mục tiêu thiết lập các quan hệ cân đối chủ yếu về tiền - hàng, sản xuất - hàng tiêu dùng,
cung - cầu hàng hóa... Tuy nhiên, những cuộc điều chỉnh đó chưa mang lại kết quả như
ý muốn nên những năm tiếp theo, huyện và tỉnh phải tiếp tục giải quyết tình trạng mất
cân đối nghiêm trọng trên nhiều bình diện.