Page 15 - C:\Users\Admin\Desktop\LSDB QTien, LCOT\
P. 15
Năm 1940, Phát xít Nhật vào Bắc Kỳ, thực dân Pháp quỳ gối dâng Đông Dương cho
Nhật. Từ đó nhân dân ta một cổ ba tròng (Nhật, Pháp, vua quan triều Nguyễn).
Giặc Nhật đưa ra chính sách mua thóc tạ, chúng quy định: Dưới 5 mẫu ruộng phải
bán 70 kg thóc/mẫu. Dưới 10 mẫu ruộng phải bán 80 kg thóc/mẫu. Dưới 15 mẫu ruộng phải
bán 100 kg thóc/mẫu. Trên 15 mẫu ruộng phải bán 120 kg thóc/mẫu.
Giá thóc chúng mua của dân mỗi ngày một rẻ. Năm 1943 giá thóc chúng mua chỉ
bằng 1/3 giá thị trường. Năm 1944 giá thóc chúng mua chỉ bằng 1/8 giá thị trường. Thực
chất không phải chúng mua mà là chúng cướp thóc của nông dân. Ở Lam Cốt, Đình Kép
Vàng là điểm mua thóc của Nhật. Triền sông Đào năm xưa, khi Nhật cân thóc tạ, đã chứng
kiến biết bao người bị đánh đập, hành hạ... và biết bao uất hận, căm hờn. Chính sách bóc lột
của Nhật, Pháp, bọn phong kiến làm cho nhân dân ta vô cùng điêu đứng, dẫn đến nạn đói
năm 1945 khủng khiếp, hơn hai triệu người chết đói.
Bên cạnh đời sống kinh tế, thì đời sống chính trị tinh thần của người dân Lam Cốt
cũng vô cùng đau sót. Trước năm 1940 cả xã Lam Cốt chỉ có hai ông đồ (thầy đồ) dạy chữ
nho và quốc ngữ. Cụ đồ Thông ngồi ở nhà ông Chánh bảo làng Trung. Cụ đồ Ngạn ngồi ở
nhà ông Lý Thìn làng Kép Thượng. Số học sinh rất ít toàn những con nhà giàu và chức sắc
trong xã. Mãi đến năm 1940, xã Lam Cốt mới mở trường học, gọi là trường Hương sư đặt ở
đình Làng Trung do thày giáo Ngọ dạy đầu tiên, rồi đến thầy giáo Ẩm. Tính đến năm 1945
cả xã mới có hai người đỗ bằng Séc (tương đương với chương trình lớp 4 ngày nay) là ông
Ngọ và ông Mùi ở làng Đồng. Hai người học sơ học (tương đương với lớp 3 ngày nay) là
ông Dương Văn Tiến và ông Giáp Văn Đào ở Kép Thượng, nhưng khi đi thi chỉ có ông
Dương Văn Tiến đỗ.
Một xã hội làng xã đầy bất công, phân chia đẳng cấp. Người giàu được trọng vọng,
kính nể, kẻ nghèo bị khinh rẻ coi thường. Ở chốn đình chung, những người giàu có, có chức
sắc hoặc bỏ tiền ra ''mua quan'' thì có chỗ ngồi. Còn kẻ nghèo thì phải hầu hạ, chịu sai
khiến.
Khi ốm đau lấy lá cây, rễ cỏ làm thuốc hoặc đón thầy phù thủy về cúng khấn, bắt ma
trừ tà. Không qua khỏi thì chờ chết. Trước năm 1945 cả Bắc Ninh và Bắc Giang có một
bệnh viện gọi là ''Nhà thương Suối Hoa'' ở Thị Cầu. Nhưng nơi ấy, không phải là nơi chữa
bệnh cho người nghèo.
Thời trước các xóm làng của Lam Cốt đều nhỏ, dân ít, nhưng những thủ tục cũng rất
nặng nề như:
Lệ khao đàn anh: Trai làng ngoài 30 tuổi muốn làm đàn anh thì phải khao làng một
bữa thì được gọi là đàn anh, ra điếm ra đình mới có chỗ ngồi.
Lệ nộp treo: Con gái lớn thì đi lấy chồng phải nộp treo cho làng. Một xuất treo là tiền,
thịt, rượu, gạo, mời trùm làng và các vị đàn anh ra điếm xơi rượu.
Lệ mua nhiêu: Trai làng từ 18 tuổi trở lên mới được mua. Mỗi xuất nhiêu phải nộp
cho làng một số tiền nhất định và có khao.
Các lệ khao chính ngạch (chức dịch). Khi nhận chức: Tuần xã, phó lý, trưởng bạ, thư
ký hộ lại, lý trưởng đều phải khao mời dân đinh toàn xã và các chức dịch hàng tổng.
15