Page 27 - C:\Users\Admin\Desktop\LSDB QTien, LCOT\
P. 27
Pháp đã tấn công lên đến Bỉ Nội. Phía Đình Tế chúng đã đến Đồn Cọ. Nhân dân hối hả
gồng gánh, thúng mủng, nồi niêu, trâu bò... các cụ già, các cháu nhỏ đi di cư chạy dưới mưa
lên phía Đại Hóa, Đức Lân. Ở làng Trung có nhiều gia đình chưa ra khỏi nhà thì Pháp đã
đến Vân Cầu, Kép Vàng. Tại làng Trung, ở Đình làng, trong làng cũng có bọn Tây và Bảo
Hoàng lục soát bắn phá. Chúng vào nhà ông Nguyễn Xuân Lĩnh thấy có cờ đỏ búa liềm treo
ở nhà. Chúng cho đây là nhà Cộng sản, liền phóng hoả đốt, thiêu trụi toàn bộ dinh cơ. Bọn
khác vào nhà ông Giáp Văn Thi, chúng thấy bộ trống ếch của thiếu nhi, chúng cho đây là
nhà cán bộ Đoàn, chúng cũng phóng hoả đốt luôn. Lửa cháy lan sang cả nhà ông Giáp Văn
Tần, cả hai gia đình đều bị thiêu trụi. Gia đình ông Như, gia đình ông Chứ và nhiều người
nữa, do hoảng sợ không thể chạy được, đành ngồi lại nhà ông Hợp ấp Vườn Rơ, Pháp đã bắt
ông Như, ông Chứ, anh Hai đem ra cổng nhà ông Trợ bắn chết cả ba người. Hôm ấy giặc
càn làng Trung, đốt nhà giết người thật vô cùng tàn bạo.
Trong số những người bị bắt có ông Hấn (Vân Cầu), ông Điều (làng Trung), ông Lúa,
ông Bồi (làng Kép). Khi hành quân lên đến đình Chản, chúng bắn chết ông Hấn, còn tha
những người kia. Rồi chúng tiến vào Đồng Lạng đánh lên làng Chám, bủa vây Lý Cốt.
Ở trong làng chiến đấu Lý Cốt, xã đội phó Nguyễn Văn Khôi thấy vòng vây đang bị
xiết chặt, lệnh cho du kích bí mật rút ra sau làng qua Bãi Ngại, vượt sông. Người cuối cùng
qua sông là anh Phạm Quang Mễ, người Đồng Lạng. Anh ra đến giữa sông thì súng máy
của địch ở Cầu Vồng bắn xả xuống. Anh bị trúng đạn vào đầu, hai tay chới với, rồi từ từ
chìm xuống nước. Anh đã hy sinh giữa dòng sông quê hương, năm ấy anh 25 tuổi.
Pháp bao vây làng Lý Cốt, nhưng không dám vào, chúng bắn dữ dội sang Yên Lý rồi
tiến lên Núi Đót. Chiều, một đơn vị của tiểu đoàn Thiên Đức xuất hiện ở Dốc Đảng, bắn lên
Kẽm Vương, nghe tiếng súng của Thiên Đức, chúng vội vàng rút xuống Đồn Cọ. Thuở ấy,
bọn Pháp và Bảo Hoàng ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang nghe thấy tiếng tiểu đoàn Thiên Đức
đều “ớn lạnh'' cũng không khác gì bọn Pháp ở đồng bằng Nam Bộ nghe thấy tiếng của tiểu
đoàn “ba lẻ bẩy''.
Chiến trường tắt tiếng súng. Bóng đêm phủ xuống vùng Núi Đót. Lúc ấy, anh em mới
đi tìm anh Mễ. Lặn lội tìm từ chỗ anh trúng đạn, đến gần Cầu Vồng Lý Cốt mới thấy anh,
vai vẫn đeo ba lô, súng vẫn khoác qua người. Trung đội du kích khâm liệm và chôn cất anh
ở đầu Cầu Cong Lý Cốt.
Đêm! Bầu trời sao thưa thớt. Hương nhang nghi ngút, trung đội du kích vây quanh
mộ anh, cúi đầu, im lặng. Hôm ấy là ngày 18/8/1950. Tối hôm sau, tại đình Lý Cốt, xã tổ
chức trọng thể lễ truy điệu liệt sĩ Phạm Quang Mễ.
Ngày 30/9/1950 địch từ núi Mỏ Thổ tiến đánh vào làng Kép Vàng. Du kích xã bẫy
mìn và nổ súng tiêu diệt 3 tên, làm nhiều tên khác bị thương, địch bỏ chạy. Tự vệ ta thu
nhiều súng và vũ khí của địch. Làng chiến đấu Kép Vàng được bảo vệ an toàn.
Thu đông 1950, thế và lực của ta đã khác, nhất là sau chiến dịch Biên Giới. Chiến
dịch Biên Giới ta giải phóng 3 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Chiến khu Việt Bắc của
ta đã được mở rộng, bao gồm các tỉnh: Cao- Bắc- Lạng, Hà- Tuyên- Thái và một phần lớn
đất đai: Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ. Vùng địch hậu quân và
dân ta hoạt động rất mạnh. Đồng bào tự nguyện đóng góp, đi bộ đội, đi dân công.
27