Page 22 - C:\Users\Admin\Desktop\LSDB QTien, LCOT\
P. 22
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ Tịch đã đề ra ba nhiệm vụ lớn: Diệt giặc
đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các địa
phương củng cố chính quyền và thực hiện ba nhiệm vụ trên.
Ngày 20/12/1945 đại biểu các xã Lãn Quật, Lam Cốt, Lý Cốt họp tại đình Yên Lý,
bàn hợp nhất ba xã lại, thành một xã lớn lấy tên là xã Phúc Sơn.
Ngày 06/01/1946, đình Yên Lý được trang hoàng đẹp đẽ, hơn 90% cử tri xã Phúc Sơn
tưng bừng phấn khởi đi bầu cử Quốc hội.
Ngày 10/01/1946 nhân dân nô nức tham gia đi bầu chính quyền của mình Ủy ban
hành chính xã. Kết quả bầu cử chính quyền xã: Ông Nguyễn Bá Tuất- Chủ tịch, ông
Nguyễn Văn Mùi- Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Vân- Ủy viên Thường trực, ông Dương
Văn Cung- Ủy viên Quân sự, ông Nguyễn Đình Vân- Ủy viên Tài chính, ông Nguyễn Văn
Ngọ- Ủy viên Thủ quỹ, ông Nguyễn Hữu Cáp- Ủy viên Tuyên truyền.
Ngày 15/01/1946 Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc được thành lập: Ông
Nguyễn Văn Đa- Chủ nhiệm Việt Minh, bà Nguyễn Thị Mai- Bí thư Hội phụ nữ, anh
Nguyễn Văn Hợp- Bí thư Đoàn thanh niên.
Năm 1946 chi bộ Lương Khánh Thiện được thành lập (gồm các xã Phúc Sơn, Hồng
Kiều, Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Ngọc Châu), đồng chí Nguyễn Đình Ký được cử làm Bí thư.
Thời kỳ này Phúc Sơn chỉ có một tổ Đảng.
Để thực hiện Chỉ thị ''kháng chiến kiến quốc'' của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Xã đã xác định nhiệm vụ của địa phương: Tập trung mọi lực lượng để chống nạn đói, chống
nạn mù chữ, củng cố lực lượng dân quân du kích để bảo vệ chính quyền cách mạng và giữ
gìn trật tự an ninh làng xóm. Vận động nhân dân ủng hộ tiền của cho kháng chiến. Hưởng
ứng ''Tuần lễ vàng'' do Chính phủ và Hồ Chủ Tịch phát động, chính quyền xã đã mở cuộc
vận động rộng lớn trong toàn dân, kết quả ''Tuần lễ vàng'' ở xã ta thu được hơn 2kg vàng.
Về chống đói: Trước tiên tịch thu ruộng đất của bọn địa chủ người Pháp, của địa chủ
người Việt phản động tạm chia cho nông dân, mặt khác tập trung công điền công thổ chia
thêm cho mọi người. Xóa bỏ thuế thân, xóa bỏ những món nợ lưu cữu ''truyền kiếp'' của
nông dân với địa chủ. Thực hiện giảm tô 25%. Đảng, chính quyền phát động phong trào thi
đua sản xuất, thực hiện tiết kiệm, vận động trong cộng đồng ''nhường cơm, sẻ áo, lá lành
đùm lá rách'', người đủ ăn giúp người thiếu ăn.
Về chống nạn mù chữ: Là một địa phương sống ở vùng trung du nghèo, lại sống dưới
chế độ cũ không có điều kiện học hành. Số người mù chữ chiếm tới 90% dân số toàn xã.
Quán triệt quan điểm của Đảng ''diệt giặc dốt'' là một mặt trận của ta trong thời kỳ này. Xã
đã thành lập Ban Bình dân học vụ (BDHV) do ông Nguyễn Văn Đá (Kép Vàng) làm trưởng
ban. Ban Bình dân học vụ có trách nhiệm: Tập hợp đội ngũ giáo viên, mở lớp, vận động
nhân dân đi học. Động viên người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Lớp học là đình, chùa,
điếm, nhà dân. Thời gian học là trưa, tối. Ngày đêm trong thôn xóm vang lên tiếng học i, t:
''O tròn như quả trứng gà, Ô thì có mũ, ơ thì thêm râu / i, t hai móc giống nhau, i ngắn có
chấm, t dài có ngang...”. Một không khí náo nức, mê say, nhiệt tình đi học BDHV với khẩu
hiệu ''Chữ là ngọc, thóc là vàng''.
22