Page 12 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 12

LÊ TRÚC KHANH                                 60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM
              Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Văn Thánh miếu vẫn duy trì được nét
           cổ kính, trang nghiêm và mang đậm dấu ấn của một thế hệ kẻ sĩ tài hoa,
           dũng khí. Hai hàng cây cao phía trong cổng chính  làm cho khu di tích
           có một không gian sâu thẳm  trầm mặc lạ lùng. Đi giữa hai hàng cây, du
           khách có cảm giác  như đang ngược nguồn dân tộc, trở lại từ trăm năm
           trước để cúi đầu trước bao nhiêu bậc tiền hiền suốt quá trình dựng nước
           và giữ nước. Hai công trình quan trọng ở khu di tích này là Khổng Thánh
           miếu và Văn Xương các.
              Khổng Thánh miếu hiện nay đã được trùng tu khang trang hơn nhiều
           so với trước kia, đặc biệt là từ năm 1903. Trong đền, ở gian chính giữa,
           trong cùng là bàn thờ Đức Khổng Tử - người khai sáng Nho giáo, là “vạn
           thế sư biểu” như người đời sau xưng tụng. Nhưng nếu Khổng Thánh
           miếu để tôn vinh người khai sáng, thì Văn Xương các mới thực sự là
           niềm tự hào về quốc học, về nền văn hiến dân tộc tự ngàn xưa. Lúc đầu,
           ta gọi đó là Thơ Lầu hay còn gọi là Tụy Văn Lâu - là nơi chứa sách, đọc
           thơ, bình văn. Những năm 1866, Thơ Lầu là một ngôi nhà cất bằng gỗ,
           lá; một gian hai chái theo kiểu bánh ít, bên trên có gác, nền vuông, mỗi
           cạnh 12m. Đến năm 1914, được trùng tu lại  nền gạch, xây tường, lợp
           ngói ống và đổi tên là Văn Xương các. Sinh hoạt văn học của Văn Xương
           các chỉ phồn thịnh trong những năm đầu rồi sớm bị dập vùi khi cả  lục
           tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc.
              Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
              Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công.
              Câu hát ngậm ngùi vang lên trên sông nước trong những đêm trăng
           nghẹn ngào u uất, câu hát của giới bình dân, nhưng không thể phủ nhận
           rằng nó cũng nằm trong dòng mạch văn chương bắt nguồn từ Văn Xương
           các. Người miền Nam đâu phải chỉ có “đi trước về sau” trong hai cuộc
           trường chinh, mà vùng đất khai hoang nầy cũng thấm đẫm nét tài hoa.
           Nếu Cần Thơ có Tao Đàn Bà Đồ với “con rồng vàng” Bùi Hữu Nghĩa; Hà
           Tiên với Chiêu Anh các của Mạc Thiên Tứ, thì Vĩnh Long lại càng tự hào
           biết bao về Văn Xương các....Huống chi, thời phong kiến, đất Vĩnh Long
           lại là thủ phủ của miền Tây. Cuộc sinh hoạt tấp nập, sầm uất, trên bến
           dưới thuyền, dù không là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” như đất
           kinh kỳ, thì cũng không tới nỗi là chốn quê mùa  tăm tối. Nói như thế, để
           thấy sự tự hào về truyền thống văn học của người xưa là có cơ sở và đời
           sau cần suy gẫm.

                                          15
   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17