Page 13 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 13
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
3.
150 năm đi qua với bao nhiêu lớp phế hưng của dòng đời vô tận, kẻ
hậu sinh vẫn còn nghe phảng phất đâu đây giọng bình văn sang sảng của
người xưa. Trong cơn mưa chiều, lao xao tiếng những thư sinh đang tập
văn, trao đổi cùng nhau về kinh Thi, kinh Dịch. Cái học nhà Nho buổi ấy
dù đã lỗi thời, nhưng đã có ai dám bảo nơi đây là “vùng trũng về văn
hoá” ?
Niềm tự hào ấy đã biến mất trong ta hay đây là một nhận định vội vã,
nhất thời của một số người trong cuộc sống hôm nay ? Lòng tôi chợt nao
nao giống như lần cuối cùng qua phà Mỹ Thuận. Tiếng ca Vọng cổ não
nuột của người nghệ sĩ dân gian vô danh chìm khuất trong cái ồn ào của
khách bộ hành, như dự báo cho sự tàn phai của một kiếp tài hoa luân
lạc, như một Ông Đồ trong thơ Vũ Đình Liên. Rồi hôm nay, ai sẽ còn nhớ
tiếng hát kia khi ung dung trên xe qua mấy nhịp cầu cao ?
Hoài niệm quá khứ không phải là cố chấp, thủ cựu mà để tự nhắc
mình sống không thẹn với người xưa. Đứng trong chiều mưa ,trước thềm
Văn Xương các, xin cho tôi trở lại năm 18 tuổi, làm một thư sinh khép
nép trước cửa Khổng sân Trình để có thể được san sẻ chút niềm vui vì
mình cũng sinh ra từ vùng “đất học”.
Ôi! Hào phóng biết bao mà cũng tài hoa biết bao, người và đất phương
Nam!
Vĩnh Long, những ngày cuối năm
16