Page 9 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 9
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
nhà bảo sanh (mà cũng chưa có) nên việc “đi biển một mình” của người
mẹ đều trông cậy hoàn toàn vào những bà “mụ vườn” giàu kinh nghiệm.
Có thể nói, gần như tất cả trẻ con trong làng, thời anh em tôi, đều được
bà dắt tay vào cuộc sống qua tiếng khóc đầu tiên.
Lễ vật cũng chẳng có gì quí giá: Một gói trà “Tam quan kỳ chưởng”,
một bịch thèo lèo, vài phong bánh in... nhưng quan trọng là lòng tri ân
sâu xa với người đã tạo tác cho mình. Khi đến nhà bà mụ, anh em tôi
cũng nhận ra không chỉ có mình mà còn biết bao gia đình khác cũng bày
tỏ lòng biết ơn như thế. Mấy chục năm trời trôi nổi, qua nhiều vùng đất
nước, tôi chưa gặp ở đâu một nét phong tục độc đáo và ngộ nghĩnh như
thế. Trong đầu óc non nớt trẻ thơ, ấn tượng sâu sắc về lòng biết ơn, về
đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành những vết khắc vô hình
mà trọn đời ta không quên được. Chợt nhớ thời thơ ấu, say mê vì bao câu
chuyện cổ phương Nam. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cọp và người. Đó
là chuyện cọp rước mụ về sinh cho vợ cọp. Người nhà bà mụ kinh hoàng
vì nghĩ là bà đã chết, không dè mấy ngày sau, cọp cõng bà trả về nhà cũ,
lại còn đền ơn bằng cả một con heo rừng to tướng! Bà cũng kể lại, sau
khi sanh xong, sợ cọp cái đói sẽ ăn thịt bà mụ nên cọp đực vội vàng đưa
bà giấu biệt trong rừng sâu để đảm bảo an toàn. Có lẽ trong cuộc sống
chung với dã thú ở cùng trời cuối đất người lưu dân đã nhìn ra được đâu
là công ơn của những người đã góp phần giúp họ duy trì nòi giống, đảm
bảo nhân số lao động để chiến thắng thiên nhiên, nên cọp cũng như
người, đều quí trọng những “bà mụ vô danh”, người thầy đầu tiên ở
vùng “tràm xanh củi lục” ?
Từ những suy nghĩ lan man đó, ta có thể khẳng định: tinh thần “tôn
sư trọng đạo” của vùng đất phương Nam thật là đơn giản, bình dị. Nó
không là một thứ giáo điều, khuôn thước theo lối lý luận, sách vở - mà
thấm đẫm trong lòng người như bao nhiêu mồ hôi đã thấm vào lòng đất
theo mỗi bước chân người xưa mở cõi. Để cũng từ đó, ta tự hào biết bao
về một lớp trí thức, cũng khoa bảng mà cũng thật bình dân: Võ Trường
Toản, Phan Thanh Giản, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa...
đã sinh ra và lớn lên từ nhân dân nên trọn đời gắn bó với nhân dân, để
ngọn đuốc “tôn sư trọng đạo” không chỉ thắp sáng nơi cửa Khổng sân
Trình mà còn soi rọi khắp ruộng lúa, cánh đồng, ngọn núi, dòng sông...
Xin được lắng lòng nghe lại truyền thống đáng tự hào này để tự răn
mình và không hỗ thẹn với người xưa...
12