Page 15 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 15
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
2.
Năm 1923, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh vừa tròn 24 tuổi. Có
người nhận xét rằng ông mang tâm hồn nghệ sĩ, ít nghĩ tới việc tổ chức
lực lượng cách mạng. Nhưng chắc chắn ở ông là lòng nồng nàn yêu nước,
yêu dân mà cụ thể là tình yêu đất, yêu người. Trong bài “Cao vọng của
bọn thanh niên An Nam” ông có viết:
“Ta cần phải lên một chỗ non cao, ở một nơi yên tịnh mà tra mình cho
biết cái thân của mình thế nào, rồi lấy con mắt hoà hảo, tương ái mà ngó
cả vũ trụ, xã hội chung quanh mình. Chừng ấy, ta mới bỏ chỗ non cao mà
trở về với xã hội, cái xã hội ấy ta có thể dùng trọn cái tinh thần tạo lập
của ta được. Nghĩa là ta đây là người An Nam, ta phải trở về với xứ Nam
Việt nầy vì ta là người sanh trong xứ nầy, ta quen biết với non sông, nòi
giống của ta thì ta làm việc làm của ta, ta khỏi mất công lần mò vô ích.”
Văn phong quốc ngữ những năm hai mươi của thế kỷ trước có thể hơi
dài dòng, khó hiểu với thế hệ hôm nay, những nội dung của nó vẫn là
những điều còn tươi rói: Yêu nước gắn liền với tình yêu quê và luôn luôn,
quê hương vẫn là nơi đẹp hơn tất cả.
Từ mối đồng cảm với người xưa, lòng ta chợt thoáng chút bồi hồi khi
cuối năm nhớ về quê cũ. Quê tôi nằm bên kia thành phố Mỹ Tho, cách
một dòng sông cửa Đại mênh mông bốn mùa miên man sóng vỗ. Hồi đó,
chiếc cồn cát chắn ngang vàm sông chưa nổi lên, nên tới mùa gió chướng
thì sóng bủa trắng chân trời. Trên dòng sông, hàng đàn le le không biết
từ đâu, đúng hẹn trở về dập dềnh bơi lội, như báo cho mọi người biết
là năm cùng tháng tận. Chúng dạn dĩ đến độ chẳng thèm tránh ghe tàu
xuôi ngược, nên đôi khi chết dưới “chân vịt” mấy chiếc phà. Loài vật nầy
giống hệt loài “vịt Tàu”, có điều nhỏ hơn một chút, và tôi cũng chưa thấy
ai săn bắt chúng làm thức ăn. Rồi khi mùa đông sắp hết, tiết trời ấm áp
chuyển sang xuân, cả đàn rủ nhau bay đi, trả lại cái mênh mông của
dòng sông với hàng vạn cánh lục bình nối nhau trôi về vô tận.
Khoảng vài mươi năm nay, tự dưng không còn thấy đàn le le xuất hiện
(Nếu có chăng, chúng trở thành một trong những món ăn “cao cấp” ở
các quán nhậu đầy dẫy trong thành phố Cần Thơ !). Có phải vì nòi giống
chúng bị tận diệt hay vì cuộc sống ồn ào náo nhiệt của thành phố ngày
càng sôi động làm mất đi hình ảnh một thời qua ?
Nối hai bờ sông lúc đó, là những chiếc phà nhỏ chỉ có một đầu để xe
cộ và khách bộ hành lên xuống. Khi phà cặp bến, khách lên xong, mới
đến lượt xe di chuyển và dừng lại ở bàn cầu gỗ đặt trên cầu phao. Cái sàn
18