Page 170 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 170
LÊ TRÚC KHANH 60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM
câu cuối trong bài thơ nói về Phan Văn Trị:
Uổng đấng tài hoa, dòng thế phiệt
Ra tuồng lưu lạc khắp nơi nơi.
Đề làm được bao nhiêu công việc đó, còn phải nhắc tới Huyền Vân
Thanh. Người bạn đời của anh, chị Kiều Diễm Phượng giữ vai trò Thủ
quỹ của Về Nguồn từ 1964, cho đến khi anh chị rời khỏi quê nhà. Có thể
nói không quá lời, trong mỗi ấn phẩm, đều có bàn tay chăm sóc, cần mẫn
và nghiêm túc của anh “mang dấu ấn Huyền Vân Thanh” để nên hình
nên vóc và được bè bạn gần xa đón nhận, ngợi khen.
Điều làm tôi bồi hồi, cảm xúc nhất là sau khi rời Việt Nam, phải vất
vả trong việc mưu sinh ở quê người, anh chị vẫn không ngừng sáng tác.
Nhiều tác phẩm thơ, văn của cả hai lần lượt ra đời. Cuối bài viết, bao giờ
anh cũng cẩn thận ghi: Huyền Vân Thanh - (hoặc Kiều Diễm Phượng)
Thi văn đoàn Về Nguồn-Tây Đô.
Anh vẫn âm thầm giữ cho mình chút kỷ niệm ấy suốt mấy chục năm
qua. Có phải dù là một cánh bèo trôi trên dòng đời vô định, nhưng tự
cánh bèo kia máu vẫn dạt về tim?
Và còn bao nhiêu người nữa đã gắn bó với Về Nguồn? Đó là Nguyễn
Thị Nâu, Châu Nữ, Lê Hoa Ảnh... là những người bạn đồng môn của
tôi từ thời “thanh mai trúc mã”. Các bạn không sáng tác, không ca hát,
không ngâm thơ, nhưng lại là những người yêu văn nghệ và hết lòng vì
Về Nguồn. Nhớ mới lúc nào đó, những buổi trưa Chủ nhật khoảng năm
1971, chúng ta ngồi chung nhau trong quán nghèo sau khi thu chương
trình ở Đài Phát thanh Cần Thơ. Những buổi đó, không thể thiếu vắng
“giọng ngâm bằng vàng” Huỳnh Túy Liêm. Tất cả cùng nói cười rôm rã,
bàn chuyện mưa nắng đất trời và... hẹn lại tuần sau!.. Thế mà...
Bây giờ, Huỳnh Túy Liêm đã là “mây trắng nghìn năm”. Nguyễn Thị
Nâu đã trở thành dân Sài Gòn chánh gốc. Lê Hoa Ảnh lưu lạc xứ lạ quê
người. Châu Nữ dù ở Cần Thơ, nhưng một năm chỉ gặp đôi lần. Nhớ biết
bao nhiêu những tháng ngày hoa mộng ấy. Nhớ như in, buổi trưa trong
lần coi thi Tú tài 2 ở Sài Gòn, gặp Nâu trong tà áo dài xanh của nhân viên
Ngân hàng Việt Nam thương tín. Từ trong khung cửa kính quán Brodard
chúng tôi yên lặng ngồi nhìn ra góc đường Tự Do tấp nập người qua kẻ
lại, mà lòng ngổn ngang trăm mối. Không ai “cắt nghĩa” nổi vì sao. Bởi
vì, năm đó, chúng tôi đều mới vừa hơn hai mươi tuổi!
173