Page 171 - 60 nam chu nghia & noi niem
P. 171
60 NĂM, CHỮ NGHĨA VÀ NỖI NIỀM LÊ TRÚC KHANH
3.
Mùa hè 1973, lúc ở quân trường Quang Trung, tôi đã mang theo để
lúc rãnh thì đọc và say mê đọc không biết bao nhiêu lần quyển sách
của Lâm Ngữ Đường viết về Tô Đông Pha (Bản dịch của nhà văn Nguyễn
Hiến Lê). Ông đâu chỉ là một danh sĩ tài hoa của thời Tống, mà bóng của
ông còn bao trùm đến hàng trăm năm sau nữa. Nhưng vượt lên tài năng
kiệt xuất ấy, là tấm lòng nhân ái của ông đối với nhân dân Trung Hoa
thời phong kiến. Chỉ hai câu thơ đã đủ đưa ông trở thành một hiền nhân
bậc nhất của nhân loại:
Bình sinh ngũ thiên quyển
Nhất tự bất cứu cơ
(Trong đời đã từng đọc hàng ngàn quyển sách.
Thế mà không có chữ nào cứu đói cho dân )
Nỗi ray rứt của ông về dân tộc ông, nhưng cũng là nỗi ray rứt của mỗi
chúng ta về quê hương, đất nước thời chinh chiến và... có còn ray rứt đến
hôm nay? Không chỉ có thế, cái ước nguyện của ông cũng thấm đẫm chất
nhân văn. Tháng 3 năm 1079, ông bị nhóm Tân đảng vu oan với triều
đình, bắt giam vào ngục, lại mang bệnh nặng và nghe tin (không chính
xác) là sẽ bị xử tử nay mai. Ông gượng dậy, viết thư cho em trai mình là
Tô Tử Do nhờ giúp thu xếp chuyện gia đình. Cuối thư là nguyện ước: Nếu
quả thực có kiếp sau, thì xin cho được tái sinh làm anh em nữa.
Thư của ông làm ta ứa nước mắt vì đó chính là lý lẽ trái tim của một
người nghệ sĩ. Tôi chỉ là hạt bụi nhỏ bé bên cạnh một đại hùng sơn,
nhưng tôi muốn ước nguyện như Tô Đông Pha: Nếu thực sự còn có kiếp
sau, thì cho tôi trở lại những năm tháng thần tiên bên bạn bè văn nghệ,
bên những ân tình sâu đậm đã gắn bó cùng tôi qua mấy chục năm dài.
Về Nguồn, năm mươi lăm năm rồi, sao cứ ngỡ mới hôm qua?.....
Cần Thơ- Mùa kỷ niệm 55 năm Về Nguồn (1964-2019)
174