Page 24 - SCK Mot so va de ve thua ke theo quy dinh cua phap luat VN
P. 24
Ngoài ra, với sự phát triển của khoa học, sự tiến bộ của xã hội và để đảm bảo
tốt nhất cho quyền lợi của người phụ nữ thực hiện được thiên chức của mình, bảo
vệ hạnh phúc gia đình của họ khi họ không thể sinh con bằng con đường tự nhiên,
pháp luật đã đặt ra quy chế pháp lý trong việc xác định cha, mẹ cho con theo
phương pháp khoa học. Theo Điều 21 Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 12/02/2003
của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học: “Con được sinh ra do
thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền
được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho trứng, cho phôi”. Như vậy,
giữa đứa trẻ và người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi không có mối quan hệ
cha mẹ và con về mặt pháp lí và không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên, cha mẹ
về mặt pháp lý sẽ là những người được hưởng di sản của đứa trẻ và ngược lại.
Sáu là, những người thân thích khác của người chết được hưởng di sản của
người đó ngang nhau nếu họ cùng một hàng thừa kế.
Ông bà có quyền ngang nhau khi hưởng di sản của cháu mà không phân biệt
ông hay bà, ông bà nội hay ngoại; các cháu không phân biệt cháu nội hay ngoại, cháu
trai hay gái luôn có quyền ngang nhau khi hưởng thừa kế; anh, chị, em ruột có quyền
ngang nhau khi hưởng di sản mà không phân biệt anh trai, chị gái, em trai, em gái…
cũng như không phân biệt cô, dì, chú, bác, cậu ruột khi hưởng di sản…
Bảy là, bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế giữa cá nhân với pháp
nhân, với các tổ chức không có tư cách pháp nhân và với Nhà nước.
Đặc biệt với quy định tại Điều 613 BLDS năm 2015 đã có sự khẳng định vấn
đề bình đẳng giữa các chủ thể với nhau trong việc xác định người thừa kế: “Người
thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra
và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại
di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn
tại vào thời điểm mở thừa kế.” Dù người thừa kế là cá nhân hay là một pháp nhân
vẫn được hưởng di sản thừa kế như nhau căn cứ vào di chúc của người để lại di sản
thừa kế. Nhà nước đóng vai là người thừa kế cũng sẽ chỉ được hưởng phần di sản
được định đoạt trong di chúc. Mọi chủ thể như nhau trong vai trò là người thừa kế.
Đây là một quy định mới mà trước kia BLDS năm 2005 chưa được ghi nhận.
Vấn đề bình đẳng trong việc để lại di sản thừa kế bao gồm cả vấn đề bình
đẳng trong việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của mỗi dân tộc để lập di
chúc định đoạt di sản thừa kế.
22